Liban tưởng niệm nạn nhân vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut 1 năm trước

Đúng 18h07 (giờ địa phương) - thời điểm xảy ra vụ nổ làm rung chuyển thành phố cách đây một năm, những người tham gia diễu hành đã dành một phút tưởng niệm khi tên các nạn nhân xấu số được đọc lên.
Liban tưởng niệm nạn nhân vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut 1 năm trước ảnh 1Thân nhân những người thiệt mạng tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut 1 năm trước. (Nguồn: cbc.ca)

Ngày 4/8, hàng nghìn người Liban đã diễu hành gần Cảng Beirut để tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng trong hai vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại đây cách đây một năm.

Các vụ nổ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Các cuộc tuần hành, hòa nhạc, những lá cờ, lễ cầu nguyện, tạo nên không khí tiếc thương tại trung tâm Beirut.

Đúng 18h07 (giờ địa phương) - thời điểm xảy ra vụ nổ làm rung chuyển thành phố cách đây một năm, những người tham gia diễu hành đã dành một phút tưởng niệm khi tên của những nạn nhân xấu số được đọc lên.

Ngay sau đó, một buổi thánh lễ đã được tiến hành. Các gia đình nạn nhân ngồi trên những chiếc ghế nhựa trắng, nâng niu những bức ảnh của những người thân đã thiệt mạng.

Cô Sandra Abras, 43 tuổi, cho biết đã đến khu vực gần bến cảng để tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Dù là một trong những người may mắn sống sót sau vụ nổ, nhưng ngôi nhà của cô đã bị tàn phá nặng nề trong thảm hoạ kinh hoàng này, khiến cô không thể trở về nhà trong hơn một tháng.

Nhiều tháng sau thảm kịch, cô còn phải thường xuyên hứng chịu những cơn đau đầu dữ dội do di chứng sau vụ nổ.

[Liban tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và chính trị]

Trong phát biểu đại diện cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại hội nghị quốc tế kêu gọi hỗ trợ người dân Liban ngày 4/8, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed đã hối thúc cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa hỗ trợ Liban phục hồi bền vững trong bối cảnh đất nước này đang vật lộn với hậu quả từ thảm kịch tại Cảng Beirut.

Bà cho biết Liban đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nền kinh tế suy giảm mạnh, các dịch vụ cơ bản xuống dốc, xã hội rạn nứt.

Hơn 50% dân số nước này hiện sống trong cảnh nghèo đói. 30% dân số không được đảm bảo an ninh lương thực.

Gần 4 triệu người có nguy cơ không được tiếp cận nguồn nước an toàn. Hàng trăm nghìn trẻ em có nguy cơ phải bỏ học. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng.

Bà lưu ý rằng mọi người dân Liban đang phải vật lộn hằng ngày với tình trạng giá cả leo thang, thiếu nhiên liệu, điện, thuốc men và nước trầm trọng.

Bà nêu rõ: “Chúng ta phải hỗ trợ (Liban) đặt nền móng cho sự phục hồi lâu dài hơn, được đưa vào Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.”

Cũng theo quan chức Liên hợp quốc, trong gần một năm qua, Liban vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Nước này cần một chính phủ được trao quyền để nhanh chóng thực hiện các cải cách cần thiết.

Điều này bao gồm cải cách kinh tế-tài khóa vĩ mô, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và minh bạch, đảm bảo tính độc lập của cơ quan tư pháp và để diệt trừ tận gốc tham nhũng và điều chỉnh hoạt động mua sắm công.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mohammed đồng thời nhấn mạnh cần có một hệ thống bảo trợ xã hội mạnh mẽ, bao trùm và toàn diện để đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất có thể tồn tại qua cuộc khủng hoảng.

Liban tưởng niệm nạn nhân vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut 1 năm trước ảnh 2Cảnh đổ nát tại cảng Beirut, Liban sau vụ nổ ngày 5/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bà, điều này có vai trò quan trọng giúp Liban hướng đến tăng trưởng bao trùm, tạo ra việc làm tốt và đảm bảo ổn định xã hội. đồng thời khẳng định Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Liban và hỗ trợ quốc gia Trung Đông này phục hồi và hương tới phát triển bền vững.

Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tại hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc và Pháp đồng chủ trì này ngày 4/8, các nước tham dự đã cam kết viện trợ khẩn cấp thêm khoảng 370 triệu USD để hỗ trợ Liban vượt qua khủng hoảng.

Con số này vượt qua mục tiêu ban đầu ít nhất 350 triệu USD mà Pháp đặt ra. Ngoài ra, còn có những cam kết "hỗ trợ đáng kể bằng hiện vật."

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước cũng kêu gọi giới lãnh đạo Liban cần nâng cao năng lực ứng phó thảm hoạ sau thảm kịch tại Cảng Beirut.

Tham gia hội nghị này còn có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi, Tổng thống Liban Michel Aoun và đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng giới chức một số nước khác.

Tổng thống Macron đã khai mạc hội nghị với cam kết Paris tài trợ cho Beirut gần 100 triệu euro (118 triệu USD) và 500.000 liều vaccine phòng COVID-19.

Một năm trước, vào ngày 4/8/2020, thủ đô Beirut của Liban rung chuyển khi xảy ra hai vụ nổ kinh hoàng tại khu vực Cảng Beirut.

Vụ nổ kéo đã khiến ít nhất 214 người thiệt mạng và hơn 7.500 người khác bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa.

Vụ nổ khiến phần lớn thủ đô Beirut, được mệnh danh là “Paris của Trung Đông,” bị hủy hoại. Tổng thiệt hại về tài sản ước lên tới 15 tỷ USD. 

Vụ nổ Cảng Beirut, một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận, được cho là do 2.750 tấn amoni nitrat bị bỏ lại tại đây từ năm 2013 gây ra.

Một năm sau vụ nổ, tiến trình điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi không có quan chức cấp cao nào ở Liban có trách nhiệm giải trình, khiến nhiều người dân Liban tức giận.

Làn sóng biểu tình đòi công lý đã nổ ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước Liban, khiến Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức vào ngày 10/8/2020.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Liban hiện cần khoản viện trợ lên tới 357 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục