Ngày 29/5, các bên đối địch tại Libya đã nhất trí tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống vào ngày 10/12 tới.
Đây là kết quả đạt được giữa các bên tham gia hội nghị diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) nhằm xây dựng lộ trình phá vỡ bế tắc chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.
Đại diện các bên gồm Thủ tướng Fayez al-Sarraj, người đứng đầu chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli, Tướng Khalifa Haftar, lãnh đạo một chính quyền đối lập tại miền Đông nước này, Aguila Saleh Issa, người đứng đầu quốc hội tại thành phố miền Đông Tobruk, và Khalid Al-Mishri, người đứng đầu một Hội đồng cấp cao quốc gia, đã cùng ký tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị hòa bình kéo dài 4 giờ đồng hồ tại Paris.
Theo đó, các bên nhất trí đặt ra nền tảng hiến pháp cho cuộc bầu cử và thông qua những luật lệ bầu cử cần thiết vào ngày 16/9 tới.
[Tổng thống Pháp mời các bên đối địch ở Libya gặp nhau tại Paris]
Tuyên bố chung nhấn mạnh các bên cam kết chấp nhận kết quả bầu cử và đảm bảo các thỏa thuận an ninh cũng như nhất trí cải thiện bầu không khí nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và thống nhất Ngân hàng trung ương Libya.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc các bên đối địch tại Libya đạt thỏa thuận về tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 12 sắp tới là bước đi quan trọng hướng tới sự hòa giải tại quốc gia đang bị tàn phá này.
Ông nhấn mạnh sự hội ngộ của 4 nhà lãnh đạo đối địch của Libya tại hội nghị là "cuộc gặp lịch sử" dưới sự ủng hộ của toàn cộng đồng quốc tế.
Trước đó, Tổng thống Pháp Macron đã mời các bên đối địch ở Libya và cộng đồng quốc tế tham gia sự kiện, một trong những nỗ lực của Paris nhằm chấm dứt sự bất ổn tại Libya.
Tham dự hội nghị Paris về xây dựng hòa bình tại Libya còn có đại diện của 20 nước, trong đó có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng các nước như Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Nga, Ai Cập và Saudi Arabia.
Hội nghị này cũng là sự tiếp nối những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc kể từ năm 2011 nhằm mở ra một giai đoạn ổn định và hợp tác mới cho tất cả người dân Libya.
Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Hiện ở quốc gia này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông./.