"Libya đứng trước nguy cơ trở thành một nhà nước thất bại"

Đặc phái viên Bernardino Leon hối thúc các bên đang tham gia đàm phán tại Algeria thừa nhận lợi ích chung, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại IS và chấm dứt đặt điều kiện mới với nhau.
"Libya đứng trước nguy cơ trở thành một nhà nước thất bại" ảnh 1Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/6, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon đã cảnh báo các bên đối địch ở Libya rằng quốc gia Bắc Phi này đang ở "ngưỡng giới hạn" và đứng trước nguy cơ trở thành một nhà nước thất bại.

Ông Leon hối thúc các bên đang tham gia đàm phán tại Algeria thừa nhận lợi ích chung, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chấm dứt đặt điều kiện mới với nhau.

Đặc phái viên đã chỉ ra thế bế tắc chính tri hiện nay khi các đại diện của chính phủ được quốc tế công nhận tại Tobruk và lực lượng liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya) hiện kiểm soát Tripoli vẫn duy trì xung đột.

Theo ông, “hai chính phủ đều không đạt được bước tiến nào trong khi chủ nghĩa khủng bố và IS đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại đất nước này. Nếu các bên liên quan không nhận thức được điều đó và tiếp tục đòi hỏi nhau nhượng bộ thêm thì Libya sẽ trở thành một nhà nước thất bại."

Ông Leon nhấn mạnh hiện chỉ có đủ thời gian để Libya nhất trí về một chính phủ đoàn kết, cũng như cơ chế và thỏa thuận để duy trì chính phủ này. Liên hợp quốc hy vọng các bên đàm phán suy nghĩ cho những người dân Libya đang phải hứng chịu hậu quả của xung đột. Về mặt kinh tế, ông cảnh báo các cơ quan của Libya đang dần cạn kiệt ngân sách để trả lương. Kể cả khi việc sản xuất dầu trở lại bình thường, hoạt động này cũng sẽ không đem lại đủ thu nhập để duy trì tài chính công.

Cho đến thời điểm hiện tại, ba vòng đàm phán đã diễn ra tại Bắc Phi, song tất cả đều thất bại trong việc đem lại hòa bình cho Libya. Trong các cuộc đàm phán diễn ra tại Maroc vào tháng Tư vừa qua, đặc phái viên Leon và các bên đàm phán đều khẳng định đã gần đạt được thỏa thuận về một dự thảo thành lập chính phủ đoàn kết có thể hoạt động tối đa trong hai năm.

Libya đã rơi vào hỗn loạn sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011. Hiện hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ, khiến chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển về miền Đông làm việc.

Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải sơ tán, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục