Ngày 22/5, một quan chức Điện Elysee cho hay người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Tướng Khalifa Haftar đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris. Tại cuộc gặp, Tướng Haftar đã bác bỏ đề xuất của nhà lãnh đạo Pháp về một lệnh ngừng bắn tại Libya.
Theo quan chức trên, Tướng Haftar cho rằng các điều kiện ngừng bắn vẫn "chưa được đáp ứng", song thừa nhận một "cuộc đối thoại chính trị" là cần thiết để chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay trong cuộc xung đột với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận.
Quan chức Điện Elyseee nhận định, hiện sự ngờ vực giữa hai phe phái xung đột ở Libya đang nặng nề hơn bao giờ hết, trong khi vẫn tồn tại sự bế tắc giữa cách nhìn nhận vấn đề của Tướng Haftar với mong muốn của cộng động quốc tế về một lệnh ngừng bắn tại Libya.
Tuần trước, Tướng Hafta đã bất ngờ thăm Rome và hội đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Conte cũng đề xuất một lệnh ngừng bắn tại Libya và kêu gọi Tướng Haftar chấm dứt cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli của Libya. Hiện Pháp và Italy đều đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột gây bất ổn kéo dài nhiều năm qua tại Libya, vốn đã dẫn tới sự bành trướng của các phần tử Hồi giáo cực đoan và cuộc khủng hoảng người di cư.
[Libya: Đụng độ bùng nổ ở phía Nam thủ đô Tripoli]
Cùng ngày 22/5, Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj khẳng định sẽ không thực hiện được một lệnh ngừng bắn ở Libya nếu "những kẻ xâm lược" không rút lui.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng GNA cho biết, trong một cuộc họp với đại sứ các nước Arab, châu Phi và châu Âu tại Tunisia, Thủ tướng Sarraj nhấn mạnh mọi lời kêu gọi ngừng bắn chỉ có thể được thực hiện "khi những kẻ xâm lược rút quân”. Phát biểu này của ông Sarraj được cho là ám chỉ LNA dưới sự lãnh đạo của Tướng Haftar.
Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 400 người đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, khoảng 55.000 người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến dịch này bắt đầu. Chiến dịch quân sự của Tướng Haftar khiến dư luận lo ngại về một cuộc nội chiến mới tại quốc gia Bắc Phi này./.