Libya và phiến quân đàm phán về khủng hoảng cảng dầu

Lực lượng phiến quân tại Libya cho biết đã đàm phán với chính phủ trong nỗ lực đạt được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng về cảng dầu.

Ngày 3/4, người phát ngôn lực lượng phiến quân tại Libya cho biết phái đoàn của chính phủ nước này do Bộ trưởng Tài chính Marajaa Ghaith dẫn đầu và các thủ lĩnh phiến quân đã tiến hành đàm phán tại thành phố miền Đông Brega trong nỗ lực đạt được một thoả thuận nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng về cảng dầu.

Theo nguồn tin trên, hai bên đã đạt được một số tiến bộ và phía chính phủ có những phản hồi tích cực đối với các yêu cầu mà phiến quân đưa ra như điều tra các vụ tham nhũng liên quan tới doanh thu dầu mỏ và chấm dứt các hoạt động quân sự chống phiến quân.

Tuy nhiên, Chính phủ Libya bác bỏ có bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với phiến quân.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Tripoli cho biết cuộc đàm phán với phiến quân được tiến hành thông qua các nhà trung gian hoà giải thuộc các bộ lạc hùng mạnh trong khu vực.

Theo một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán, phiến quân đang yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về khôi phục quyền tự trị cho khu vực Cyrenaica, miền Đông Libya từng được hưởng chế độ tự trị trong 12 năm đầu tiên sau khi quốc gia này giành độc lập năm 1951; đòi bồi thường cho những người từng được thuê làm bảo vệ các cảng dầu trước khi các cảng này bị phong tỏa.

Nguồn tin trên cũng cho biết các cuộc đàm phán diễn ra ''nghiêm túc'' và nếu thành công thì cảng xuất khẩu dầu Zueitina có thể là cảng đầu tiên được mở cửa trở lại.

Cuộc đàm phán này diễn ra hai tuần sau khi lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ bắt giữ một tàu chở dầu của phiến quân tại vùng hải phận quốc tế trên Địa Trung Hải, dập tắt hy vọng xuất khẩu dầu bất hợp pháp của phiến quân.

Lực lượng phiến quân tại Libya hiện đang nắm quyền kiểm soát 5 cảng xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của nước này kể từ tháng 6/2013 - nguyên nhân Tripoli cho rằng khiến thu nhập về dầu mỏ thiệt hại hơn 14 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục