Liên đoàn Arab hoan nghênh thoả thuận hòa bình tại Nam Sudan

Liên đoàn Arab (AL) đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng và chia sẻ quyền lực giữa các bên đối lập tại Nam Sudan.
Liên đoàn Arab hoan nghênh thoả thuận hòa bình tại Nam Sudan ảnh 1Các lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 6/8, Liên đoàn Arab (AL) đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng và chia sẻ quyền lực giữa các bên đối lập tại Nam Sudan.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit đã ca ngợi thỏa thuận trên là cần thiết để đạt được hòa bình toàn diện, hướng tới khôi phục an ninh, ổn định và hòa giải dân tộc ở Nam Sudan. Ông Aboul-Gheit bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ chấm dứt sự phân chia và cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại Nam Sudan. Đồng thời, người đứng đầu Liên đoàn Arab đánh giá cao những nỗ lực chính trị của Chính phủ Sudan để tổ chức các cuộc đàm phán hoà bình giữa các bên ở Nam Sudan.

Trước đó, ngày 5/8, các bên đối lập ở Nam Sudan đã ký kết một thỏa thuận cuối cùng tại thủ đô Khartoum của Sudan về chia sẻ quyền lực và thiết lập lại an ninh. Thỏa thuận này đạt được thông qua các cuộc đàm phán của Chính phủ Sudan với sự ủy nhiệm của Cơ quan liên chính phủ về phát triển châu Phi, được Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit, thủ lĩnh phe đối lập, cựu Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar và đại diện các đảng phái chính trị khác tại Nam Sudan ký kết.

[LHQ kêu gọi các bên ở Nam Sudan sớm đạt thỏa thuận hòa bình]

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực quy định rằng chính phủ chuyển tiếp sẽ có 35 bộ trưởng, gồm 20 người là đồng minh của ông Kiir và 9 người ủng hộ ông Machar cùng với những đại diện của các phe phái khác.

Từ cuối tháng 6 vừa qua, Sudan đã đứng ra làm trung gian tổ chức một số vòng hòa đàm giữa hai phe đối lập tại Nam Sudan. Ngày 7/7 vừa qua, các bên đã nhất trí về thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó tuân thủ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân khỏi các khu vực đô thị.

Những cuộc đàm phán được tiến hành là một phần nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài cho Nam Sudan, vốn rơi vào cuộc nội chiến chỉ 2 năm sau khi tách khỏi Sudan để trở thành một quốc gia độc lập. Nội chiến tại Nam Sudan nổ ra từ tháng 12/2013 sau khi Tổng thống Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục