Lý do các nhà sư Nhật Bản chọn cách thiền định để trở thành “Phật sống”?

Các ngọn núi thiêng ở tỉnh Yamagata là nơi đặt thân xác của 13 sokushinbutsu, những người tu hành khổ hạnh được cho là đã đạt tới trạng thái thiền định sâu vượt ra khỏi ranh giới sự sống và cái chết.

Một thiền sư trở thành sokushinbutsu ở Nhật Bản. (Nguồn: Nippon)
Một thiền sư trở thành sokushinbutsu ở Nhật Bản. (Nguồn: Nippon)

Được đặt trong ngôi đền ở tỉnh Yamagata của Nhật Bản, bộ xương của một thiền sư ngồi trong tư thế thiền định, hai chân bắt chéo bên dưới chiếc áo choàng sáng màu trong khi đôi bàn tay xương xẩu của ông đặt lên trên.

Với những người theo đạo Phật khổ hạnh ở Nhật Bản, điều này còn hơn cả một xác ướp. Ông là một sokushinbutsu - một vị "Phật sống” - người đã đạt đến trạng thái thiền định sâu vượt ra khỏi ranh giới của sự sống và cái chết.

Để làm như vậy, thiền sư này đã thực hiện các hình thức tu hành khổ hạnh nghiêm ngặt, đỉnh điểm là tự ướp xác.

Các đền thờ có sokushinbutsu khác có thể được tìm thấy trên khắp Nhật Bản, với hơn một nửa trong số 21 sokushinbutsu được biết đến nằm xung quanh những ngọn núi linh thiêng của tỉnh Yamagata.

Làm thế nào để một nhà sư trở thành sokushinbutsu?

Việc thực hành này có liên quan đến một trường phái của Phật giáo Nhật Bản tên là Shugendo, có nguồn gốc cổ xưa, thờ cúng các vị thần núi.

Các nhà sư xem sự thống khổ trước cái chết sẽ giúp linh hồn được lên Cõi Tusita, nắm trong tay quyền năng cứu rỗi chúng sinh.

Tuy vậy, các thiền sư theo trường phái này cũng tin rằng sức mạnh tâm linh chỉ tồn tại khi nào thân xác phàm tục của họ vẫn còn trên dương gian để giữ mối dây kết nối.

Cách mỗi thiền sư trở thành một sokushinbutsu rất khác nhau. Sau khi gia nhập một ngôi chùa hoặc chủng viện và sống cuộc đời sùng đạo, thiền sư chọn cách đạt đến hình thức giác ngộ này sẽ sống ẩn dật, tu hành khổ hạnh trên núi như tắm dưới thác nước đóng băng, thiền định trong hang động và thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt trong thời gian ẩn dật kéo dài.

Vị thiền sư sẽ tập trung vào việc kiêng ngũ cốc như chỉ ăn vỏ cây, lá cây, quả thông, hạt dẻ cùng các loại hạt khác trong khoảng thời gian một nghìn hoặc vài nghìn ngày.

Sau khi nhịn ăn, các thiền sư sẽ tự táng trong một căn phòng đá dưới lòng đất hoặc trong quan tài, tụng kinh cầu nguyện cho đến khi qua đời. Một số được để dưới lòng đất trong ba năm, sau đó được khai quật trong tình trạng bảo quản trước khi đưa vào chùa.

sokushinbutsu 2.jpg
Các nhà sư tại chùa Dainichibo thay trang phục cho Shinnyokai Shonin. (Nguồn: Nippon)

Những người khác được khai quật ngay sau khi chết và thân xác họ được làm khô bằng than và khói hương, sau đó được cải táng và để dưới lòng đất trong ba năm trước khi được đặt trong các đền thờ.

Quá trình tự ướp xác diễn ra khó khăn đến mức không cách nào biết được có bao nhiêu thiền sư đã thử thực hiện nhưng thất bại, cơ thể của họ bị phân hủy và biến mất.

Những hành vi tu hành khổ hạnh cũng tồn tại trong Đạo giáo và Phật giáo được thực hành ở Ấn Độ, cả hai đều ảnh hưởng đến sự phát triển lịch sử của Shugendo.

Trở thành sokushinbutsu vì lợi ích của người khác

Người nổi tiếng nhất trong số các sokushinbutsu là thiền sư Tetsumonkai, người trở thành sokushinbutsu vào năm 1829.

Mặc dù câu chuyện về ông có đôi chút khác nhau, nhưng người ta tin rằng sau khi giết chết hai samurai, ông đã trốn đến một ngôi chùa, bắt đầu cuộc sống tu hành khổ hạnh.

Ông cũng đi khắp miền Bắc Nhật Bản để truyền dạy giáo lý đạo Phật và thậm chí cứu giúp người bệnh nhờ những kiến thức về thảo dược.

Lòng vị tha là chủ đề xuyên suốt câu chuyện của Tetsumonkai. Vào thời Edo, một căn bệnh về mắt lan rộng, gây ra dịch bệnh khiến nhiều người bị mù.

sokushinbutsu 3.jpg
Người dân tới cầu nguyện tại một ngôi chùa có sokushinbutsu. (Nguồn: Sở Du lịch Tsuruoka)

Tetsumonkai đã khoét một bên mắt của chính mình để dâng lên các vị Thần Núi Yudano nhằm cứu những người mắc bệnh.

Tuân theo tiền lệ, Tetsumonkai nhịn ăn và nhập thiền sâu, trở thành một vị Phật được thờ phụng trong chùa Churen-ji.

Có rất nhiều sokushinbutsu khác đã tồn tại và nhiều câu chuyện đã bị thất truyền theo thời gian. Tuy nhiên, quá trình này thường được thực hiện vì những mục đích vị tha, dù là vì lợi ích của một cá nhân, một ngôi làng hay cho xã hội nói chung.

Do đó, lý do để trở thành một sokushinbutsu dường như không chỉ đơn giản là hành động vì lợi ích của chính họ mà còn vì những gì thiền sư có thể đem lại cho người khác - cả trong cuộc sống trần thế và kiếp sau của họ với tư cách là những vị Phật sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục