'Miếng bánh' Trung Đông giữa vòng vây của các cường quốc

Syria biến thành “sân khấu” nơi các cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đan xen với hàng loạt dự án chiến lược liên quan Mỹ, Nga, Trung Quốc.
'Miếng bánh' Trung Đông giữa vòng vây của các cường quốc ảnh 1Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại làng al-Hashisha, ngoại ô Tal Abyad, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin TRT vừa có bài phân tích đánh giá Syria đang trở thành mặt trận chính nơi trật tự mới của Trung Đông định hình.

Nói một cách khác, Syria đã biến thành “sân khấu” nơi các cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đan xen với hàng loạt dự án chiến lược liên quan đến Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Theo giới phân tích, một hệ thống quốc tế với đặc trưng của nhiều nguồn sức mạnh sẽ mang lại một số lợi ích song cũng chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt trong nền tảng của trật tự thế giới đa cực.

Điều này càng thể hiện rõ nét hơn ở Trung Đông, nơi thế cân bằng quyền lực toàn cầu đang thay đổi với sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới và khu vực.

Dù có vẻ cường điệu nhưng có thể nói Trung Đông đang nhanh chóng trở thành khu vực nơi xảy ra các cuộc xung đột quan trọng liên quan đến sự xuất hiện của một trật tự toàn cầu mới và cuộc đấu tranh đó đang diễn ra tại Syria.

Các động lực địa chính trị trong khu vực

Năm 2011, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp khu vực, giới quan sát tại châu Âu và Bắc Mỹ từng nghĩ rằng làn sóng dân chủ hóa thời kỳ hậu Xô viết cuối cùng đã tấn công Trung Đông.

Phương Tây coi đây là một cơ hội để định hình và củng cố lại các mối quan hệ của họ trong khu vực, trong khi Trung Quốc và Nga cũng không bỏ qua thời cơ để giành được chỗ đứng tại Trung Đông.

Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran ở Trung Đông cung cấp một “lăng kính” mà qua đó chúng ta có thể định hình một khuôn khổ để thấu hiểu động lực địa chính trị hiện tại trong khu vực.

[Nga cảnh báo những hành động cản trở tiến trình hòa bình Syria]

Một mặt, Saudi Arabia và các đồng minh theo đuổi một dự án khu vực trên cơ sở tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh với Mỹ.

Mục tiêu cuối cùng của chiến lược này không chỉ đảm bảo sự tồn tại của chế độ mà còn thiết lập một nền tảng bá quyền khu vực.

Trong khi đó, Iran cũng theo đuổi một chương trình nghị sự của riêng mình, sử dụng những đồng minh có cùng tư tưởng giáo phái trên toàn khu vực để thúc đẩy mục tiêu của riêng mình.

Trên cơ sở đó, Iran tiếp tục ủng hộ những nhà lãnh đạo như Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sự cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran đã lý giải sự vận động hiện tại trong khu vực.

Tuy nhiên, khu vực Trung Đông còn chứng kiến một sự khác biệt căn bản trong mối tương quan quốc tế giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Trong những năm đầu sau kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ được hưởng những đặc quyền ở mức độ cao khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi và phổ biến trong khu vực.

Tuy nhiên, sau gần 30 năm can thiệp vào khu vực này, những cuộc chiến tranh kéo dài và xu hướng thiên vị Israel đã khiến Mỹ bị suy giảm ảnh hưởng tại Trung Đông.

Về phần mình, Nga đang tìm cách duy trì và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực bằng cách tận dụng sức mạnh quân sự tương đối thay cho sức mạnh kinh tế.

Sự quan tâm của Nga đối với Trung Đông vào thời điểm này, ngoài việc bảo vệ đồng minh của mình ở Syria, còn có thể là do những thách thức của hệ thống quốc tế sau Chiến tranh Lạnh, vốn do Mỹ thống trị.

Cái gọi là Mùa xuân Arab đã tạo cho Nga cơ hội để cho thế giới thấy rằng họ vẫn còn là một thế lực đáng gờm và Moskva sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng một trục ảnh hưởng khác trong khu vực.

Mặt khác, Trung Quốc đang tham gia vào một dự án dài hạn được thiết kế để khôi phục vị thế lịch sử mà Bắc Kinh luôn tự nhận là một cường quốc thế giới ưu việt.

Cho dù sự tham gia hiện tại của Trung Quốc ở Trung Đông vẫn còn tương đối hạn chế, nhưng nó đã cho thấy những dấu hiệu gia tăng mối quan tâm vượt ra ngoài các lợi ích năng lượng mà khu vực này cung cấp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điển hình, sau thông báo về sáng kiến “Vành đai và Con đường,” Trung Quốc đã giới thiệu văn kiện về Chính sách Arab đầu tiên vào năm 2016, trùng khớp với chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu vực Trung Đông, trong đó phác thảo cách tiếp cận lâu dài của Bắc Kinh trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Trung Quốc luôn tuyên bố theo đuổi một học thuyết “không can thiệp” và nó trở nên hấp dẫn các chính quyền khu vực vào thời điểm vấn đề chủ quyền và không can thiệp một lần nữa được tranh luận ở cấp độ quốc tế, với sự phân chia rõ ràng đang nổi lên giữa phương Tây và khối các cường quốc mới nổi.

Trong khi tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc đối với khu vực tập trung vào sáng kiến “Vành đai và Con đường,” sẽ là sai lầm khi đánh giá về sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực chỉ thông qua lăng kính kinh tế đơn thuần.

Thực tế, ngay cả khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể thu hút các quốc gia trong khu vực tham gia, nó cũng không thể phát huy sức mạnh tối đa và được thực thi đầy đủ và suôn sẻ trong khi các cuộc xung đột cả chính trị và quân sự vẫn tiếp diễn trong khu vực.

“Thế giới thu nhỏ” Syria phản ánh một trật tự mới

Các sự kiện, như đã diễn ra ở Syria, đã cho thấy một hình ảnh Trung Đông thu nhỏ trong thập kỷ qua.

Yếu tố cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran thể hiện rất rõ tại đây. Trong khi Saudi Arabia từng ủng hộ phe đối lập từ khi bắt đầu nổi dậy nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của Iran trong chế độ Assad, nước này đã bắt đầu suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình khi cục diện chiến trường thay đổi và chính quyền Damascus dường như đang nắm nhiều lợi thế.

Dù vẫn duy trì lập trường nhất quán về việc chống lại ảnh hưởng của Iran, Saudi Arabia và đồng minh Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã tìm cách nối lại quan hệ với Damascus để bảo đảm duy trì tầm ảnh hưởng khi chiến tranh kết thúc và quá trình tái thiết bắt đầu.

Đối với Nga, sự can thiệp vào Syria của họ thể hiện cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của Moskva đối với Trung Đông.

Cuộc chiến ở Syria trở thành phương tiện để Moskva không chỉ bảo đảm lợi ích chiến lược và tăng cường ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn là cách để tiếp tục dự án dài hạn hơn về giảm sức ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực, đồng thời sử dụng mặt trận Syria như giai đoạn một của cuộc cạnh tranh chính trị và ý thức hệ với Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ được cho là ít quan tâm chiến lược hơn với Trung Đông so với trước đây, chủ yếu là vì Washington không còn phụ thuộc vào khu vực này để duy trì an ninh năng lượng.

Vị trí ngày càng mơ hồ của Mỹ đối với các vấn đề khu vực được phản ánh trong cách tiếp cận của quốc gia này đối với Syria, nơi các mục tiêu của Washington bị giới hạn trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran.

Sự hiện diện của Mỹ ở Syria đã gửi một tín hiệu cho cả Nga và Trung Quốc rằng mặc dù họ không tham gia mạnh mẽ như trước đây, nhưng Washington không bao giờ sẵn sàng nhường lại vị trí của mình trong khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc đã chính thức duy trì tính trung lập đối với cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, khi chiến tranh gần kết thúc, Bắc Kinh sẽ có vị trí tốt để trở thành một nhân tố chính trong quá trình tái thiết Syria.

Bắc Kinh chắc chắn sẽ giữ một vị trí quan trọng trong việc tái thiết Syria nhờ nguồn vốn dồi dào của mình.

Hiện tại, Trung Quốc đã và đang tìm kiếm các khoản đầu tư vào cảng Tripoli tại Liban và có thể hồi sinh tuyến đường từ cảng này nối tới thành phố Homs như một công cụ để tiếp cận thị trường Syria khi quá trình tái thiết đất nước bắt đầu.

Tóm lại, sự đa chiều đã trở thành đặc trưng của cuộc xung đột Syria, với các mức độ can thiệp và phân nhánh nhiều tầng lớp, đóng vai trò như một thế giới thu nhỏ tại Trung Đông.

Các dự án khu vực và quốc tế đan xen tại Syria, dù tốt hơn hay xấu đi, đều có khả năng sẽ tiếp tục định hình động lực kinh tế và chính trị của khu vực trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục