Mô hình phát triển kiểu Trung Quốc đang thất bại tại châu Phi

Sau hơn một thập kỷ tăng trưởng mạnh về thương mại, tài chính và đầu tư, sự can dự mạnh mẽ của Trung Quốc vào châu Phi đang làm hỏng các triển vọng phát triển tại châu Phi.
Mô hình phát triển kiểu Trung Quốc đang thất bại tại châu Phi ảnh 1Tuyến đường sắt mới do Trung Quốc xây dựng tại Kenya khánh thành năm 2017 là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya từ sau khi giành độc lập vào năm 1963. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo các nước châu Phi sẽ tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi tại Bắc Kinh (Trung Quốc). 

Trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times ngày 26/8, Luke Patey - nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu các vấn đề Quốc tế ở Đan Mạch, cho rằng tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra 3 năm/lần này, Trung Quốc sẽ lại đưa ra các cam kết viện trợ và giúp đỡ tài chính cho châu Phi nhằm đề cao vai trò của Trung Quốc như một đối tác kinh tế quan trọng nhất của châu Phi và đẩy mạnh hợp tác chính trị và quân sự mới giữa Trung Quốc và châu Phi, một châu lục bị phương Tây quên lãng.

Cách đây gần một thập kỷ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi. Năm ngoái, thương mại hai chiều đạt tới 170 tỷ USD - gấp bốn lần so với quan hệ thương mại Mỹ-châu Phi. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ tăng trưởng mạnh về thương mại, tài chính và đầu tư, sự can dự mạnh mẽ của Trung Quốc vào châu Phi đang làm hỏng các triển vọng phát triển tại châu Phi.

Lục địa này có một vị trí đặc biệt trong câu chuyện về sự trỗi dậy của Trung Quốc thời hiện đại. Trước khi phát động sáng kiến "Vành đai và Con đường," kế hoạch nhằm phát triển các đường cơ sở hạ tầng và thương mại nối liền Á-Âu, Trung Quốc đã và đang xây dựng các đập thủy điện tại Sudan, các tuyến đường xe lửa mới tại Nigeria và Ethiopia. Trung Quốc cũng đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, nước có vị trí địa lý chiến lược.

Những kế hoạch của Bắc Kinh đối với châu Phi không dừng lại ở đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chú trọng đến việc biến Trung Quốc thành mô hình kinh tế và chính trị cho các nước đang phát triển. Ông hy vọng rằng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng các nhà máy sản xuất tại châu Phi sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển cho châu lục này.

Tuy nhiên, để sản xuất có hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cần phải được thực thi trên nền tảng chất lượng cao và công năng tối ưu. Thực tế cho thấy mô hình kinh tế lấy cơ sở hạ tầng làm động cơ thúc đẩy của Trung Quốc đã không hiệu quả, và nên tránh xa mô hình này chứ không phải là khuyến khích phát triển nó.

Quá nửa các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang thực hiện là yếu kém, chứ không hề là động cơ thúc đẩy phát triển, và để lại một gánh nợ lớn cho nền kinh tế quốc nội. Những rủi ro này cũng đã hiện diện tại châu Phi.

Chẳng hạn như dự án đường sắt tại Kenya được xây dựng và dùng vốn vay từ Trung Quốc đã được hoàn thành năm 2017, nối thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mombasa. Chi phí cho việc xây dựng tuyến đường sắt này lên tới hơn 3 tỷ USD. Thay vì nâng cấp tuyến dường sắt đã có sẵn, một lựa chọn rẻ hơn rất nhiều, chính phủ Keynia đã chi tiền để Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt mới, khiến chi phí cao gấp 3 lần so với mức thông thường. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy đã làm gia tăng nợ nần của các nền kinh tế lớn, nhỏ tại châu Phi.

Các nước châu Phi hy vọng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tạo ra việc làm và tiền cho ngân sách để họ giảm bớt gánh nặng khủng hoảng nợ nần do các dự án này mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế, triển vọng châu Phi thu được những khoản doanh thu lớn từ việc đầu tư nhà máy sản xuất và tạo việc làm khá mong manh. Đa phần các nhà sản xuất Trung Quốc chủ yếu là ở tại Trung Quốc, tận dụng lợi thế của tự động hóa sản xuất để giảm bớt chi phí sản xuất. Và những ông chủ sản xuất Trung Quốc nếu như muốn thuê nhân công lao động nước ngoài sẽ chọn các nước tại Nam hoặc Đông Nam Á, thay vì châu Phi.

[Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi]

Những người châu Phi không phải là không nhìn thấy những mối nguy hiểm từ sự can dự của Trung Quốc vào châu lục. Tuy nhiên, giới tinh hoa chính trị và những người làm tư vấn có thể sẽ kiếm được bội tiền từ sự can dự này.

Những nhân vật có ảnh hưởng như cựu Bộ trưởng tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala đã cảnh báo phải thận trọng trước việc nước này đi theo môi hình "nhà nước dẫn dắt tăng trưởng" của Trung Quốc vì mô hình này có thể dẫn đến tham nhũng.

Luke Patey cho rằng châu Phi cần nâng tầm vị thế của mình đối với Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Các nước châu Phi nên hợp tác thành nhóm các thị trường trong khu vực như mô hình cộng đồng Đông Phi để khi đàm phán có được lợi thế trong thương mại và các thỏa thuận tài chính với các đối tác đến từ ngoài châu lục.

Ông cũng cho rằng các nhà lãnh đạo châu Phi cần khai thác biểu tượng địa chính trị mà Trung Quốc gắn với việc nước này can dự vào châu lục để từ đó lấy được các chuyển giao công nghệ hữu ích nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của các công ty trong nước.

Tác giả bài viết cho rằng diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi diễn ra trong tuần này chỉ thổi bùng lên trong chốc lát rồi sẽ tắt ngấm. Mô hình phát triển của Trung Quốc đang thất bại tại châu Phi. Và trong những năm tới, lãnh đạo các nước châu Phi sẽ ngày càng khó khăn hơn khi muốn lảng tránh đề cập đến kết quả èo uột của các dự án đầu tư tại châu lục.

Theo Luke Patey, các nhà lãnh đạo châu Phi cần đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Thay vì sống theo các "giấc mơ" của Tập Cận Bình về một mô hình phát triển kiểu Trung Quốc, họ cần tạo ra con đường phát triển cho riêng mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục