Xe ôm sinh viên: Dịch vụ thân thiện với người thủ đô

Mô hình "xe ôm thân thiện": Giá rẻ mà lại văn minh

Đây là dịch vụ xe ôm mới xuất hiện trên địa bàn Hà Nội với đồng hồ tính cước như taxi và mức giá "rẻ như bèo" có lợi cho khách hàng.
Gần đây trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một loại hình dịch vụ xe ôm thân thiện đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Điều đặc biệt của dịch vụ này là khách hàng có thể yên tâm khi ngồi sau tay lái của những tài xế sinh viên đồng thời không lo bị “chặt chém”. Từ ý tưởng... thân thiện Sáng đi làm, chiều đi học, thỉnh thoảng chạy xe ôm ngoài giờ khi có yêu cầu của công ty, thu nhập mỗi tháng của Trần Mạnh Linh-sinh viên năm thứ nhất Cao Đẳng Công nghệ Hà Nội, cũng được trên dưới ba triệu đồng/tháng. Đối với một sinh viên xa nhà, vừa học vừa phải kiếm tiền thì đây là một công việc khá dễ chịu. "Những ngày đầu lên Hà Nội, bố mẹ mỗi tháng gửi cho em 1,5 triệu/tháng bao gồm tiền ăn, tiền trọ, tiền học. Bây giờ tự đi làm, bố mẹ chỉ cần chu cấp một phần ba để đóng học mà thôi," Linh chia sẻ. Lấy ý tưởng từ mô hình taxi ôm của nước ngoài và xe ôm taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Hiệp cùng những người bạn đã thành lập nên Công ty vận tải Thân Thiện từ 19/11/2012, với mô hình quản lý mang tính chuyên nghiệp. Và chỉ một thời gian sau, dịch vụ xe ôm này đã thu hút đông đảo sự chú ý của nhiều người dân thủ đô.
Mô hình "xe ôm thân thiện": Giá rẻ mà lại văn minh ảnh 1
Đội xe ôm sinh viên trước cổng trường Đại học Công nghiệp. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Cách tính cước cũng khá mềm, dưới 1 km đầu là 6.000 đồng/km; từ km tiếp theo cho tới km thứ 6 giá 6.000 đồng/km, từ km thứ 7 tới km thứ 13 giá 5.000 đồng/km, từ km thứ 13 trở đi giá chỉ còn 4.000 đồng/km. “Theo mức giá này, khách hàng chỉ phải trả số tiền bằng 2/3 so với xe ôm thông thường và bằng 1/2 so với taxi,” anh Hiệp cho biết. Hiện tại công ty đang cho hoạt động 20 xe và dự kiến tăng thêm 5 xe cho phục vụ dịp Tết. Theo anh Hiệp, nhân sự hiện nay chủ yếu là sinh viên làm thêm nửa buổi tại công ty, được hỗ trợ ăn uống, xăng xe. Ngoài ra, nhân viên của công ty còn đang hưởng mức lương cứng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ thế, nhân viên chạy vượt định mức 6 triệu đồng/tháng và chạy xe ngoài 19 giờ hàng ngày sẽ được hưởng thêm 40% doanh thu mang lại. Dù mới hoạt động được hơn hai tháng nhưng Tết âm lịch năm nay công ty dự định sẽ có mức thưởng Tết tỷ lệ với mức lương và doanh thu vượt định mức của các nhân viên, ngoài ra công ty đang áp dụng thưởng thêm ngoài quy định cho những nhân viên có doanh thu cao nhất trong tháng, quý. “Tháng đầu tiên công ty bù lỗ gần 20 triệu đồng, đến tháng thứ hai bù lỗ hơn 6 triệu đồng, đây là một tín hiệu đáng mừng vì khách hàng đã bắt đầu quan tâm, tin tưởng sử dụng dịch vụ của công ty,” anh Hiệp vui vẻ nói. Vẫn còn "cái khó bó cái khôn" Để tạo dựng thương hiệu và niềm tin ở khách hàng, các nhân viên của Công ty Thân Thiện đều được trang bị đồng phục từ màu áo, mũ bảo hiểm in tên công ty, đến thẻ nhân viên, số điện thoại, bảng giá niêm yết trên xe... Anh Hiệp, cho biết, khởi đầu dịch vụ xe ôm Thân Thiện, công ty đã thực hiện lắp đặt các thiết bị mới 100% có khả năng tính tiền tự động bằng cả mắt thần, GPS định vị, kiểm soát tốc độ từ xa... không khác gì cách thức hoạt động của các hãng taxi hiện nay.
Mô hình "xe ôm thân thiện": Giá rẻ mà lại văn minh ảnh 2
Đồng hồ tính cước và bảng giá được lắp phía trước xe. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Hiện nay công ty cũng đang tự đưa ra mức giá để hoạt động chứ không dựa theo quy định, chế tài nào của nhà nước. Mức giá này đảm bảo duy trì hoạt động của mình đồng thời đem lại lợi ích cho khách hàng. Cũng như thế, thiết bị định vị, đo lường chưa có một cơ quan ban ngành nào có quy định về tiêu chuẩn thiết bị lắp đặt trên xe gắn máy. "Công ty đang muốn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan chức năng bởi loại hình dịch vụ này chưa nằm trong quy định nào cho công ty thực hiện đúng và bài bản để có thể phát triển bền vững, lâu dài", anh Hiệp nói. Theo ông Bùi Văn Quang, Phó phòng Tổng hợp Công an Huyện Từ Liêm, nhiều cơ quan ban ngành liên quan tại chính quyền địa phương đã đến kiểm tra thủ tục hành chính cũng như giám sát hoạt động của công ty vận tải Thân Thiện, đến nay chưa phát hiện vi phạm nào. Ông Quang cũng đánh giá cao mô hình xe ôm Thân Thiện này bởi tính quy củ, có thể dễ quản lý trật tự an ninh xã hội thông qua doanh nghiệp đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho khách sử dụng dịch vụ. Nếu "danh chính ngôn thuận," loại hình dịch vụ này có thể giúp hành khách tránh được việc bị "chặt chém" về giá cả, không bị chèo kéo, không tranh chấp địa bàn hoạt động cũng như tạo những nét văn hóa đẹp hơn trong lòng đô thị. Tuy nhiên, theo ông Quang ngoài việc quản lý doanh nghiệp, an ninh trật tự bến bãi... các vấn đề khác như kiểm định máy móc, giá niêm yết vẫn chưa có quy định nào để điều chỉnh, do vậy cần sớm nghiên cứu để nhân rộng mô hình này./.
Quỳnh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục