Môi trường lao động an toàn: Động lực thúc đẩy phát triển bền vững

Thực hiện tốt an toàn lao động là động lực để người lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Công nhân sản xuất tại Công ty Xuân Hòa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Công nhân sản xuất tại Công ty Xuân Hòa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

An toàn vệ sinh lao động có vai trò, ý nghĩa quan trọng không những đối với người lao động, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình, đến sự phát triển của xã hội.

Việc thực hiện tốt an toàn lao động giúp hạn chế tối đa những thương tích, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người lao động và doanh nghiệp.

Đây còn là động lực để người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực thi đua lao động sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của thành phố.

Không ngừng cải thiện môi trường làm việc

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ý thức việc đảm bảo an toàn lao động mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Các cơ quan đoàn thể và ngành chức năng cũng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cải thiện môi trường làm việc…

Điển hình trong lĩnh vực may mặc là Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc G&G (quận Tân Bình) có môi trường làm việc thông thoáng, đảm bảo vệ sinh, ánh sáng đầy đủ, duy trì nhiệt độ thích hợp và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động.

Tại những nơi nguy hiểm, có khả năng xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp đều gắn biển cảnh báo; để khắc phục tình trạng công nhân may ngồi lâu uể oải, mỏi mắt, Công đoàn tổ chức bài thể dục giữa ca...

Ông Trần Công Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty may mặc G&G cho biết, doanh nghiệp còn áp dụng hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân chấp hành đúng quy định về an toàn vệ sinh lao động; thực hiện chế độ doanh nghiệp giám sát, tổ chức Công đoàn giám sát và người lao động giám sát nhau về an toàn vệ sinh lao động trên từng tổ máy, chuyền xưởng.

Việc khuyến khích, động viên thực hiện nghiêm về an toàn vệ sinh lao động không chỉ tạo ra sự an tâm, phấn khởi mà còn giúp người lao động luôn tin tưởng, đảm bảo sức khỏe, việc làm để từ đó hăng hái thi đua lao động sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Từ sự chủ động của doanh nghiệp, Công đoàn và người lao động tích cực tham gia an toàn vệ sinh lao động, Công ty may mặc G&G đã được tổ chức Better Work (Chương trình hợp tác hướng đến mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn lao động và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng toàn cầu) miễn trừ giám sát.

Môi trường lao động an toàn: Động lực thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 1Công nhân sản xuất tại Công ty Xuân Hòa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Qua đó, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động hợp tác, thương mại, sản xuất, kinh doanh doanh, xuất khẩu…

Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp được nhiều đối tác trong và ngoài nước biết đến, không chỉ thành công trong việc đàm phán, thực hiện hợp đồng mà còn bởi quy trình, chất lượng thi công và công tác bảo hộ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Với tiêu chí phát triển bền vững và cam kết an toàn-sức khỏe-môi trường doanh nghiệp, trong mỗi hợp đồng, Công ty xây dựng Hòa Bình đều dành khoảng 1,2% tổng giá trị thầu để xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên để phục vụ cho hoạt động này.

Công ty quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Ban an toàn hay mạng lưới an toàn vệ sinh viên; xây dựng nội quy, biện pháp an toàn lao động cho từng hạng mục; nâng cao hiệu quả công tác nhận diện mối nguy hại, đánh giá rủi ro, quy trình làm việc an toàn; đầu tư để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động…

Kinh phí trên còn được sử dụng vào việc tổ chức tập huấn, huấn luyện, sinh hoạt, các buổi gặp gỡ, nói chuyện chuyên đề về an toàn lao động; các hoạt động kiểm tra, duy tu máy móc, thiết bị trên công trường…

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động an toàn vệ sinh lao động, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Công đoàn Công ty xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, định kỳ hàng quý, hàng năm doanh nghiệp thực hiện kiểm soát các khía cạnh về môi trường, khí hậu; thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ báo cáo, tự kiểm tra, quy định về bảo hộ lao động, các phương tiện bảo vệ cá nhân, cấp cứu, khám sức khỏe định kỳ, bố trì thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ phù hợp, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ…

Bên cạnh đó, Công ty xây dựng đội ngũ kỹ sư giám sát an toàn lao động ngày càng chuyên nghiệp, vận hành hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động theo hệ thống, tiểu chuẩn quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu khoa học công nghệ vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, giảm thiểu các sự cố liên quan đến tai nạn lao động.

Lợi ích cho cả đôi bên

An toàn lao động hay nói cách khác là bảo hộ lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương vong đối với con người trong quá trình lao động.

Nếu không đảm bảo an toàn lao động hoặc thực hiện chưa tốt thì rất dễ xảy ra các sự cố, tai nạn lao động tại nơi làm việc.

[Mở chiến dịch thanh tra về an toàn lao động tại 600 dự án xây dựng]

Tương tự, vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

Nếu không thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động thì người lao động dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố công việc và có thể mắc bệnh nghề nghiệp.

Môi trường lao động an toàn: Động lực thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 2Công nhân sản xuất và lắp ráp ô tô tại nhà máy Maz Asia tại Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các chuyên gia về an toàn lao động cho rằng, an toàn lao động và vệ sinh lao động là hai công tác riêng biệt mà các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tuân thủ nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.

Việc kết hợp giữa an toàn lao động và vệ sinh lao động trong đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không chỉ bảo đảm an toàn cho người lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, giúp người lao động khỏe mạnh, không bị mắc bệnh do tác động nghề nghiệp mà còn bồi dưỡng hồi phục kịp thời và duy trì sức khỏe, khả năng lao động.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, người lao động là tế bào của gia đình, tế bào của xã hội; người lao động vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, con người là vốn quý nhất của xã hội phải luôn luôn được bảo vệ và phát triển.

“Nếu đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tốt bảo hộ lao động hay an toàn vệ sinh lao động sẽ mang lại lợi ích kinh tế, sản xuất có năng suất cao, hiệu quả, giảm chi phí cho những việc như chữa bệnh, chi phí thiệt hại do tai nạn lao động. Bảo hộ lao động cũng chính là chăm lo đến đời sông, hạnh phúc của người lao động, là góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội; thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động còn thể hiện sự quan tâm đầy đủ về sản xuất, là điều kiện đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững và đem lại hiệu quả cao,” ông Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.

Từ thực tế trong triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong ngành Điện, ông Nguyễn Ngọc Tuyến-Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ (thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các đơn vị cần phải cam kết thực hiện mục tiêu không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây thương tích cho người lao động trong đơn vị khi triển khai nhiệm vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo ông Tuyến, ngành điện vốn là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, do đó công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được ngành điện nói chung đặc biệt quan tâm, là “ưu tiên số 1” trong lao động.

Ngoài ra, các tổ chức, người lao động cần thực hiện đầy đủ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp an toàn vệ sinh lao động đã được đề ra theo kế hoạch của Tổng Công ty, đơn vị về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động…

Để công tác an toàn, vệ sinh lao động được đảm bảo ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, huấn luyện và đào tạo là cách thức hiệu quả giúp người lao động biết và học được những kỹ năng, kiến thức; giúp họ thay đổi hành vi vì một môi trường làm việc an toàn hơn.

Ngược lại, người sử dụng lao động cũng phải nhìn nhận việc đầu tư vào công tác huấn luyện không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa an toàn, giảm thiểu các rủi ro tai nạn, mà còn góp phần gia tăng năng suất lao động.

“Để làm được điều đó, cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần nhận thức rõ hơn về những rủi ro cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro thông qua công tác đào tạo, huấn luyện,” Tiến sỹ Chang-Hee Lee khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Phạm Chí Tâm cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động là vấn đề cấp thiết.

Song, cũng rất cần tăng cường các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kỹ năng phương pháp hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên, mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các nghiệp đoàn, khu vực lao động phi kết cấu.

Ngoài ra, cần kiểm tra có trọng điểm, việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, cháy nổ, hóa chất hay việc làm trong không gian kín; thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thúc đẩy các hoạt động phòng ngừa tai nạn; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc…

An toàn vệ sinh lao động không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên, an toàn còn là động lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng; thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển bền vững, góp phần thực hiệu quả Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo./.

Xây dựng môi trường lao động an toàn: Chuyện không của riêng ai

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục