Việc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/10 quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau những cáo buộc không có căn cứ về cái gọi là “các cuộc tấn công sóng âm” nhằm vào các nhân viên ngoại giao Mỹ tại La Habana có thể coi là một bước lùi mới trong quan hệ giữa hai nước.
Phía Mỹ nói rằng hơn 20 nhân viên ngoại giao nước này bị "mất thính giác" do bị "tấn công sóng âm." Tuy nhiên, các nhà khoa học được tham vấn tại nhiều nơi trên thế giới đều bác bỏ khả năng một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra, thậm chí các chuyên gia về tâm thần và thính giác của Mỹ cũng chỉ rõ tính "phi lý" của thông tin trên.
Tờ Business Insider dẫn lời các chuyên gia cho rằng khó có thể có những thiết bị tấn công sử dụng âm thanh đủ sức gây tổn hại cho sức khỏe.
Theo nhà khoa học thần kinh Seth Horowtz, không có bất kỳ thiết bị nào có thể phát ra những âm thanh mà tai thường không nghe thấy, hoặc không bị phát giác, có thể có những khả năng tương tự như cái gọi là “vũ khí sóng âm." Ông đồng thời cho biết vũ khí sóng âm có tồn tại, song chúng đều rất dễ bị phát hiện hoặc ngăn chặn, và chưa có thiết bị nào có thể được che giấu một cách tinh vi như người ta đồn đoán.
Cho đến nay, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng chưa tìm thấy bất kỳ thiết bị khả nghi nào tại nhà riêng hay khách sạn mà các nhà ngoại giao Mỹ đã lưu trú.
[Cuba chỉ trích Mỹ gây căng thẳng quan hệ song phương]
Tuy nhiên, bất chấp những khẳng định của Cuba rằng nước này chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ của mình bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ, trong khi Washington không thể đưa ra bằng chứng xác thực nào để đổ lỗi cho La Habana, song chính quyền Mỹ vẫn đơn phương thực hiện "đòn ngoại giao" đối với Cuba với việc trục xuất 15 nhà ngoại giao của quốc đảo này.
Một số thế lực chính trị tại Mỹ, vốn phản đối việc cải thiện quan hệ với Cuba, đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này kêu gọi chính quyền Mỹ tái đóng cửa Đại sứ quán tại Cuba cho dù cơ quan đại diện ngoại giao này mới được mở cửa trở lại vào năm 2015 sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Không phải đến lúc này mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, vừa mới "tan băng" dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, có chiều hướng xấu đi. Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi đầu năm nay, Washington đã nhanh chóng bãi bỏ một số chính sách hợp tác với Cuba, báo hiệu những sóng gió của mối quan hệ này trong tương lai.
Việc siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh Cuba, dừng mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân,... là những bước đi có chủ ý của chính quyền mới ở Mỹ nhằm "đảo ngược" những thành quả đạt được dưới thời cựu Tổng thống Obama. Bởi vậy, câu chuyện "sự cố căn bệnh bí hiểm" tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba đang được truyền thông phương Tây loan báo không khỏi khiến người ta liên tưởng tới một "màn kịch" được lên kế hoạch bài bản.
Việc Mỹ sử dụng “sự cố thính giác” chưa được xác thực như cái cớ để đưa ra các biện pháp làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ song phương với Cuba cho thấy chính quyền Trump chưa có thiện chí để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Bản thân ông Trump cũng chưa thể vượt qua được áp lực từ những thành phần có tư tưởng thù địch với Cuba tại Quốc hội Mỹ, nhất là khi ông chủ Nhà Trắng đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.
Một loạt quyết định đối với Cuba mà Tổng thống Trump đưa ra đang đẩy lùi những tiến bộ đáng kể mà hai nước đạt được trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ suốt hai năm qua.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã khẳng định rằng: “Với những hành động có mục đích chính trị và thiếu hợp lý này, chính phủ Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại đã và đang diễn ra trong quan hệ song phương."
Quyết định của Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Cuba sau những cáo buộc vô căn cứ đang đẩy mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai nước rơi vào giai đoạn bấp bênh mới, thậm chí có thể khiến quan hệ song phương căng thẳng trở lại như thời kỳ Chiến tranh Lạnh./.