Vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời tại Viện Quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy,” ông là nhân tướng trong thời đại Hồ Chí Minh, được xếp vào hàng danh tướng của thế giới. Trong cuộc đời hoạt động chính trị và sự nghiệp cầm quân của mình, Đại tướng từng có thời gian làm báo. Ông là một nhà báo thực thụ, và gần như cả cuộc đời của vị tướng huyền thoại – người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam – luôn gắn bó với báo chí. Ông đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên đối với báo giới trong và ngoài nước; đặc biệt là đối với những phóng viên TTXVN, những người đã có vinh dự được đi theo phục vụ Đại tướng. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Văn Trường, nguyên phóng viên TTXVN kể về một kỷ niệm trong một chuyến công tác phục vụ Đại tướng: Vụ Đông Xuân năm ấy, đồng ruộng nhiều tỉnh miền Bắc bị hạn nặng. Giáp Tết mà vụ Chiêm Xuân vẫn chưa cày cấy được là bao. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ phân công nhau từng đồng chí về các tỉnh nắm tình hình, chỉ đạo thực hiện chủ trương chống hạn, cấy hết diện tích hoặc chuyển vụ sang trồng màu. Tôi được Bộ Biên tập cử đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào làm việc với Tỉnh ủy Hà Đông. Hôm ấy là một ngày giáp Tết. Có lẽ Đại tướng rất bận việc quân nên tranh thủ thu xếp đi vào buổi chiều. Cũng là khá đặc biệt, tôi được báo chờ ở số 5 Lý Thường Kiệt, trụ sở cơ quan TTXVN. Đúng 13 giờ, xe ở văn phòng anh Văn (tên gọi thân mật Đại tướng Võ Nguyên Giáp) xuống đón. Đến phố Hoàng Diệu, xe rẽ vào khu vườn rộng, dừng trước một ngôi biệt thự. Trong sân nền sỏi, tôi thấy một xe Zim và một xe Oát đỗ chờ sẵn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm ấy mặc thường phục, đi ra xe niềm nở hỏi ngay: “Thông tấn xã hả?” Tôi lúng túng, mất tự nhiên. Trên xe, ngoài lái xe, chỉ có 3 người. Đồng chí bảo vệ ngồi ghế trước, tôi ngồi cạnh Đại tướng. Quả thật tôi rất bất ngờ, chỉ biết im lặng, chẳng biết nói sao. Càng im lặng, tôi càng lúng túng, trời lạnh mà người tôi cứ nóng rực và vã mồ hôi… Thế rồi đồng chí hỏi tôi: “Đồng chí có nắm được tình hình của Hà Đông?” Tôi chột dạ, chưa biết trả lời như thế nào thì Đại tướng nói tiếp bằng một giọng thân mật: “Tôi được Bộ Chính trị phân công vào làm việc với Tỉnh ủy Hà Đông, đồng chí tham gia thêm, ta nên trao đổi những vấn đề gì với tỉnh nhỉ?” Tôi cảm thấy gần gũi hơn và hiểu rằng Đại tướng được Đảng phân công chuyên trách việc quân, ít có thời gian đi sâu vào lĩnh vực kinh tế. Trước khi vào Hà Đông, thể nào Văn phòng Trung ương và đồng chí thư ký cũng chuẩn bị kỹ nội dung vào làm việc với tỉnh rồi. Chẳng nhẽ mình “ngậm hột thị?” Cũng may tôi viết về kinh tế (có lẽ vì vậy mà lãnh đạo cơ quan cử tôi đi chuyến này chăng?), đã đôi ba lần vào công tác ở Hà Đông, về huyện, xuống xã nên tôi cũng nắm được được tình hình, đặc điểm của tỉnh này. Chính vì vậy mà tôi thấy tự tin, lấy lại được bình tĩnh và mạnh dạn báo cáo lại với Đại tướng một cách ngắn gọn những gì tôi am hiểu về Hà Đông. Đến cơ quan Tỉnh ủy, các đồng chí Vũ Quý - Bí thư Tỉnh ủy (sau là Bộ trưởng Xây dựng), Vũ Đường - Chủ tịch tỉnh (sau này là chuyên viên cao cấp Phủ Thủ tướng), Nguyễn Hữu Thụ - Chánh văn phòng Tỉnh ủy (sau này là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng) ra tận cổng cơ quan đón Đại tướng. Trước khi vào phòng họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói với đồng chí Vũ Quý tôi là phóng viên TTXVN, đề nghị cho tôi được dự họp với Thường vụ Tỉnh ủy để viết tin cho các báo. Tới 18 giờ, Đại tướng làm việc xong với Thường vụ Tỉnh ủy Hà Đông. Với lý do đầu Xuân đón Tết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Đông mời Đại tướng ở lại ăn bữa cơm tất niên với Tỉnh ủy. Biết ý, tôi tế nhị “rút” ra ngoài với ý định tìm chút gì ăn cho ấm bụng, chờ Đoàn cùng về. Vừa lững thững ra khỏi cổng cơ quan Tỉnh ủy thì đồng chí Trịnh Tiến Hòa, cán bộ văn phòng Tỉnh ủy (sau là thường vụ Tỉnh ủy Hà Sơn Bình), vội vã đuổi theo níu tôi lại: “Này, đồng chí nhà báo về xơi cơm, anh Văn đang chờ!” Tôi gặng hỏi vì thấy có sự trân trọng quá. Đồng chí Hòa cho biết ngồi vào mâm, anh Văn không thấy tôi bèn hỏi: “Đồng chí Thông tấn xã đâu?” Thế là tôi “chạy đi tìm ông bằng chết!” đồng chí Hòa nói vui. “Miếng ngon nhớ lâu,” không chỉ là miếng ăn (dẫu rằng cỗ Tết rất thịnh soạn với những món ăn truyền thống, mang hương vị Hà Đông) mà là sự chu đáo, quan tâm đến cấp dưới của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt thân mật các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ ba (Quốc hội khóa IV) tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 20/2/1973. Ảnh: TTXVN
Tối, trời mưa lạnh. Trên đường về, khác với cảm giác mất tự nhiên lúc đi, ngồi bên cạnh Đại tướng, tôi cảm thấy gần gũi, ấm áp như bên một người Bác trong gia đình. Tôi mạnh dạn hỏi thăm sức khỏe thầy giáo cũ của tôi – cụ Đặng Thai Mai, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm thời gian 1954 và là bố vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp; hỏi thăm cô giáo Hà, là vợ của Đại tướng - một người chị lớp trên cùng một mái trường Đại học Sư phạm với tôi. Xe dừng trước nhà, tôi kính cẩn chào Bác và Bác không quên nhắc đồng chí lái xe cho tôi về cơ quan TTXVN. Ít hôm sau, đồng chí Đào Tùng, Tổng Giám đốc đi họp ở trên về (hình như lên chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói với tôi: "Này, anh Văn nhắc và hỏi thăm 'đồng chí nào hôm đi với tôi vào Hà Đông?'” Trong tôi dâng lên một niềm vui khó tả khi nghĩ rằng chắc hẳn hôm ấy mình đã viết được một tin tốt và tâm niệm một điều, muốn tiến bộ người phóng viên phải không ngừng tích lũy vốn sống và kiến thức, phải tạo cho mình một thực lực. Bây giờ ngoài thất tuần rồi, chẳng thể nhớ nổi ngày nào, năm nào; tôi chỉ còn nhớ khi ấy Hà Đông chưa sáp nhập với hai tỉnh Hòa Bình, Sơn Tây thành một tỉnh lớn Hà Sơn Bình; vào một chiều giáp Tết giá lạnh, có những giờ phút hiếm hoi trong đời, tôi được ngồi bên vị Đại tướng - Tổng tư lệnh - một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng nhưng hết sức bình dị, khiêm nhường, quan tâm đến mọi người. Và, từ đôi mắt hiền hậu của ông có sức tỏa ấm niềm tin…/.
(Báo Tin tức/Vietnam+)