Liên quan đến việc các trạm thu phí BOT của nhà đầu tư (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) dày đặc và tăng phí quá “chát” trên tuyến Quốc lộ khiến người dân "ngạt thở" về các loại phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành di dời để bố trí trạm để phù hợp với Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Sắp tới, Bộ tiếp tục rà soát để đáp ứng được quy định.
“Tuy nhiên, mức phí tại các trạm thu phí BOT của Việt Nam đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Lộ trình tăng phí BOT ra sao?
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 12/4, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, thời gian qua, ngành giao thông đã có những đột phá trong kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hơn 700km đường cao tốc được đưa vào vận hành. Nhiều tuyến Quốc lộ được nâng cấp, nhất là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14…
Ông Thanh cũng thừa nhận hiện nay còn tồn tại không ít bất cập trong việc bố trí các trạm thu phí BOT cũng như lộ trình tăng phí tại các trạm này. Đặc biệt, một số tuyến vận tải ngắn, phí đường bộ quá cao dẫn tới tình trạng xáo trộn trong giá cước vận tải. Đơn cử trên tuyến Hà Nội-Thái Bình chỉ có 100km đã có tới 4 trạm thu phí BOT.
Ông Thanh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại cự ly của các trạm BOT, tìm cách gom các trạm lại để có thể thực sự tiệm cận với quy định cứ cách 70km mới có một trạm BOT.
Trả lời câu hỏi tại sao trên cùng tuyến đường dày đặc trạm phí, Thứ trưởng Trường cho rằng, trên một tuyến đường trạm phí được đặt cơ bản cách nhau 70km, một số trạm 60-70km là do không có vị trí hợp lý để đặt trạm, nếu đặt lại rơi vào đô thị.
“Trong cùng một bán kính 50km không có quá 3 trạm phí. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hay một số địa phương, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện triệt để và đã tiến hành di dời một số trạm để phù hợp thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để phù hợp,” Thứ trưởng Trường nói.
Đề cập về lộ trình tăng phí BOT, theo vị Thứ trưởng này, trong quá tình xây dựng dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải cũng như Bộ Tài chính đã duyệt phương án tài chính, có lộ trình tăng phí theo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên. Các dự án này có quá trình chuẩn bị kỹ, có lộ trình rõ ràng. Trong quá trình xây dựng trạm giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm sẽ xem xét tăng phí, nay đã đến giai đoạn các trạm tiến hành tăng phí theo lộ trình.
“Trong lộ trình cứ 3 năm một tính mức độ tăng trưởng trượt giá như thế nào để đưa về mức phí BOT cho phù hợp, tăng giảm điều chỉnh theo CPI, bình quân của 3 năm. Giai đoạn từ 2010-2013, gần như không tăng một chút nào, thậm chí năm 2010 có những trạm chỉ 10.000 đồng/lượt, sau đó phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường,” Thứ trưởng Trường phân tích.
Để giải quyết thấu đáo, đảm bảo sức chịu đựng của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét tổng thể. Tất cả các trạm phí hiện nay có 2 loại, trạm phí thu trên cao tốc thực hiện theo km, mức trần cho phép cao nhất là 2.000 đồng/phương tiện/km, hiện đang thực hiện 1.000, 1.200 và 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km. Một số trạm đã thực hiện thu cao nhất như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Ninh Bình-Cầu Giẽ đang đề xuất tăng.
Các trạm trên tuyến Quốc lộ chủ yếu thu theo phương án tài chính của nhà đầu tư với mức phí cao nhất là 45.000/xe tiêu chuẩn/km, hiện chỉ thu 30.000-40.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km, một số trạm đã thu kịch giá trần.
“Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét tính toán lưu lượng phương tiện cũng như sức chịu dựng của người dân để xem xét lộ trình tăng hợp lý. Hiện vẫn cơ bản áp dụng mức 35.000 đồng. Với mức này, Bộ Giao thông đã tính toán đến yếu tố đầu vào, đầu ra, đảm bảo đi lại của người dân,” Thứ trưởng Trường nói.
Để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị nhà đầu tư BOT xem xét tăng cường vé tháng (với loại vé này doanh nghiệp đã được giảm 15-20%), với người dân xung quanh trạm thu phí sẽ được thực hiện giảm thêm trong vé tháng như trạm phí trên Quốc lộ 6 Xuân Mai-Hòa Bình, cầu Hạc Trì (Phú Thọ).
Mức phí thấp hơn nhiều nước trên thế giới
Liên quan tới vấn đề liệu Bộ Giao thông Vận tải có tính tới chuyện thu mua lại một số trạm thu phí BOT hay không, Thứ trưởng Trường khẳng định, điều này gần như không thể.
“Hiện nay, ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên mới phải kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhà nước sẽ thông qua thu phí của người dân để hoàn trả doanh nghiệp thành nhiều năm chứ nêu có tiền thì Nhà nước đầu tư luôn chứ Nhà nước mua lại làm gì”, ông Trường nhấn mạnh.
Ông Trường lý giải thêm, trên thế giới một số nước có đặt ra vấn đề mua lại các trạm thu phí BOT nhưng đó là khi nền kinh tế phát triển, GDP trên đầu người đạt ở mức 15.000 USD/người/năm trở lên chứ ở Việt Nam hiện nay mới đạt xấp xỉ 3.000 USD thì rất khó để mua lại.
Nhìn nhận thực tiến các nước trên thế giới đưa ra chuẩn thu hồi vốn của dự án BOT là 20-30 năm, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Việt Nam lấy mức trung bình là 25 năm hoàn vốn cho dự án và trong thời gian này mức phí cũng được tính trong giai đoạn đó.
Thứ trưởng Trường khẳng định, đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng mức thu phí tại Việt Nam tính trên một km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Dẫn chứng, mức tính phí trên km đường đầu tư bằng hình thức BOT tại Trung Quốc khoảng 1 Nhân dân tệ/km (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km (tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/km), còn tại Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km.
Trước yêu cầu giảm phí hiện nay, Thứ trưởng Trường bày tỏ quan điểm, Bộ Giao thông Vận tải cơ bản tiếp thu và đang làm việc với Bộ Tài chính cũng như các nhà đầu tư để đưa ra một lộ trình thu phí phù hợp hơn trong thời gian tới./.