Mỹ cần làm gì để thoát khỏi "mê cung" trong quan hệ với Triều Tiên?

Chuyên gia cho rằng nếu Mỹ vẫn theo đuổi lập trường cũ với Triều Tiên thì sẽ không thể thoát khỏi "mê cung" mà Washington cần phải chấm dứt thời kỳ đối đầu của cấm vận và gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Mỹ cần làm gì để thoát khỏi "mê cung" trong quan hệ với Triều Tiên? ảnh 1(Nguồn: KKTV)

Cố vấn đặc biệt về vấn đề thống nhất, ngoại giao và an ninh Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) Moon Chung-in ngày 5/1 đưa ra phát biểu rằng để tìm ra bước đột phá cho tình trạng bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều hiện nay, Triều Tiên phải chứng tỏ bằng hành động mạnh mẽ, trong khi Mỹ cần phải dỡ bỏ một phần cấm vận với Triều Tiên.

Xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn trên kênh Youtube của Quỹ Roh Moo-hyun mang tên "Rhyu Si-min sẽ cho bạn biết," Cố vấn Moon Chung-in cho rằng "sẽ rất khó để yêu cầu Mỹ hay Triều Tiên phải nhượng bộ trước."

Ông Moon Chung-in nhấn mạnh ngoài việc phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye (huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamggyong), thì Triều Tiên vẫn chưa có hành động đáng kể nào khác.

Mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng nói rằng cơ sở hạt nhân Punggye đã bị phá hủy trên 2/3, song điều này vẫn cần phải kiểm chứng. Theo phân tích của ông Moon Chung-in, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhượng bộ trước Triều Tiên thì có thể sẽ làm dấy lên dư luận phản đối mạnh mẽ trong nội bộ nước Mỹ.

Trong khi nếu Triều Tiên có hành động cụ thể trước thì tình hình sẽ có thể khác đi. Thay vì đàm phán bằng "lời nói suông" như hiện nay, hai nước phải chuyển sang đàm phán với những hành động cụ thể.

Về việc có ý kiến cho rằng quan hệ liên Triều đang “tăng tốc” nhanh hơn quan hệ Mỹ-Triều, ông Moon Chung-in nêu rõ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhận định rằng dù quan hệ Mỹ-Triều có xấu đi, nhưng nếu quan hệ liên Triều diễn tiến tốt đẹp thì ông sẽ có thể thuyết phục Triều Tiên giải quyết vấn đề quan hệ Mỹ-Triều.

Mặt khác, theo ông Moon Chung-in, việc chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị trì hoãn là bởi sự phản đối của đội ngũ cố vấn của chính ông này. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nếu chuyến thăm diễn ra thành công, tạo ra được một bước đột phá mới, thì tiến trình đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được tiến triển. Tiếp đó, Liên hợp quốc sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng và quan hệ liên Triều sẽ được thúc đẩy hơn nữa.

[Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 liệu có đạt giải pháp cụ thể?]

Mới đây, trong bài phát biểu chào Năm mới 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra cam kết sẽ hoàn tất mục tiêu phi hạt nhân hóa và sẵn sàng gặp lại Tổng thống Trump "bất kỳ lúc nào."

Tuy nhiên, theo cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và đang tìm kiếm sự công nhận như một cường quốc hạt nhân trong khi "điều khiển" được Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN mới đây, ông Clapper đã nói rằng: "Ông Kim Jong-un đang ngồi ở vị trí ghế lái. Ông ấy biết cách thuyết phục Tổng thống Trump, chủ yếu đánh vào 'cái tôi'. Viết cho ông ấy một 'lá thư tình' nhân dịp đặc biệt và nhất trí tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh chỉ mang tính hình thức. Và trong lúc đó, mỗi ngày trôi qua, trên thực tế Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và đó là điều họ muốn được thế giới công nhận."

Cũng theo ông James Clapper, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có thể sẽ không đáp ứng bất kỳ mục đích nào, nhưng có thể "củng cố suy nghĩ của ông Trump rằng giữa ông và Kim Jong-un đang rất hòa hợp. Do đó tôi nghĩ ông Trump sẽ rất khó để tỏ ra cứng rắn và có thái độ cưỡng ép đối với Triều Tiên."

Ông Clapper nói thêm: "Họ (Triều Tiên) không làm bất kỳ điều gì hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và tôi tin rằng họ sẽ không bao giờ làm. Và tại sao họ phải phi hạt nhân hóa và từ bỏ mọi đòn bẩy mà họ có?"

Trong năm 2018, Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân nào, trong khi ông Kim Jong-un tiến hành một loạt cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore (6/2018), hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều nhất trí "phối hợp" hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lấy các đảm bảo an ninh từ Mỹ. Tuy nhiên, không có nhiều tiến triển cụ thể trong việc thực thi các thỏa thuận đạt được.

Liên quan đến vấn đề này, Đài phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc (KBS) cho biết ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố "Báo cáo chiến lược chung khu vực Đông Á-Thái Bình Dương," các hãng truyền thông tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên đang tích cực hối thúc Washington phải dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng nếu muốn đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa hiện đang lâm vào bế tắc.

Trang web tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên mang tên "Dân tộc chúng ta" có bài bình luận nhấn mạnh rằng Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận do Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo trong suốt một năm qua.

Giờ đến lượt Washington phải hành động, trả "món nợ" với Bình Nhưỡng. Bài bình luận cũng chỉ trích Mỹ đang đơn phương đưa ra những đòi hỏi vô lý, yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện thêm các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, thiện chí và sự khoan dung của Triều Tiên chỉ có giới hạn nên Washington cần từ bỏ kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục nhượng bộ.

Trước đó, Vụ Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và Vụ châu Á thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã soạn thảo báo cáo đề ra chiến lược đàm phán với Triều Tiên là "phi hạt nhân hóa trước, giảm nhẹ cấm vận sau." Chính quyền Bình Nhưỡng đã chỉ trích chiến lược này đi ngược với mục tiêu chấm dứt quan hệ thù địch giữa hai nước.

Bài bình luận trên nhấn mạnh rằng nếu Mỹ vẫn cố theo đuổi lập trường cũ thì sẽ không thể thoát khỏi "mê cung" trong quá khứ. Thay vào đó, Washington cần phải chấm dứt thời kỳ đối đầu của cấm vận và gây sức ép./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục