Mỹ cáo buộc nghi can thứ 3 trong vụ đánh bom máy bay Pan Am năm 1988

Nghi phạm thứ ba trong vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Mỹ Pan Am năm 1988 khiến 270 người thiệt mạng là cựu quan chức tình báo cấp cao người Libya, Abu Agela Mas'ud Kheir Al-Marimi.
Mỹ cáo buộc nghi can thứ 3 trong vụ đánh bom máy bay Pan Am năm 1988 ảnh 1Hiện trường sau vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Pan Am năm 1988. (Nguồn: Reuters)

Ngày 21/12, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức cáo buộc các tội danh hình sự đối với nghi phạm thứ ba trong vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) trên bầu trời thị trấn Lockerbie, Scotland, Vương quốc Anh, năm 1988.

Đối tượng này là cựu quan chức tình báo cấp cao người Libya, Abu Agela Mas'ud Kheir Al-Marimi, bị cáo buộc hai tội danh liên quan vụ tấn công khiến 270 người thiệt mạng này. Đối tượng còn có tên gọi khác là Abu Agila Mohammad Masud.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr cho biết Al-Marimi hiện đang bị giam giữ tại Libya và giới chức Mỹ hy vọng có thể dẫn độ người này tới Mỹ để xét xử.

Al-Marimi là người đã vận chuyển vali chứa chất nổ từ Libya tới Malta và chính y đã đặt chế độ hẹn giờ cho khối thuốc nổ này trước khi vali được đưa lên máy bay của Pam Am.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Al-Marimi hoạt động trong ngành tình báo của Libya giai đoạn 1973-2011, cả với tư cách là chuyên gia chế tạo bom.

Đối tượng bị cáo buộc liên quan tới vụ đánh bom vũ trường LaBelle ở Berlin (Đức) hồi năm 1986, khiến hai quân nhân Mỹ thiệt mạng.

[Nhìn lại các vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên thế giới]

Năm 1991, hai đối tượng khác được cho là nhân viên tình báo của Libya là Abdel Baset al-Megrahi và Lamin Khalifah Fhima đã bị cáo buộc thực hiện vụ đánh bom máy bay hãng hàng không Pam Am.

Các nhà điều tra Mỹ và Scotland (Anh) đã mất nhiều năm thu thập bằng chứng liên quan tới nghi phạm thứ ba Al-Marimi này.

Ngày 21/12/1988, máy bay của hãng Pam Am thực hiện chuyến bay số 103 đã nổ tung trên bầu trời thị trấn Lockerbie, phía Nam Scotland, Vương quốc Anh, khi đang thực hiện hành trình thủ đô London (Anh) tới thành phố New York (Mỹ).

Toàn bộ 259 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay cùng 11 người dưới mặt đất đã thiệt mạng.

Với 189 hành khách thiệt mạng là người Mỹ, vụ đánh bom này là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất nhằm vào nước Mỹ trước khi xảy ra các vụ khủng bố 11/9/2001./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục