Mỹ, Iran hoài nghi lẫn nhau về việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Trong khi Mỹ vẫn chưa chắc chắn liệu Iran có thực sự muốn trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không thì Iran cũng hoài nghi về việc liệu Mỹ có sẵn sàng hủy bỏ chính sách gây sức ép hay không.
Mỹ, Iran hoài nghi lẫn nhau về việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Ngoại trưởng Iran Javad Zarif phát biểu tại thủ đô Tehran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/6, Mỹ cho biết nước này vẫn chưa chắc chắn liệu Iran có thực sự muốn trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không.

Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: "Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc đối thoại gián tiếp, như các bạn biết đấy, trong vài tháng qua, và chúng tôi vẫn chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng và thực hiện những gì nước này cần làm để trở lại tuân thủ (thỏa thuận hạt nhân)."

Ông Blinken nhấn mạnh: " Chúng tôi không biết liệu việc tuân thủ (của Iran) có thực sự diễn ra hay không."

[Trở ngại trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran]

Phản ứng trước phát biểu này của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif nêu rõ: "Vẫn chưa rõ liệu Mỹ có sẵn sàng hủy bỏ chính sách 'gây sức ép tối đa' của cựu Tổng thống Donald Trump và ngừng sử dụng 'khủng bố kinh tế' làm đòn bẩy mặc cả."

Ông Zarif nhấn mạnh Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời trích dẫn một điều khoản trong thỏa thuận nêu rõ một bên sẽ từ bỏ cam kết của mình nếu bên kia không tuân thủ thỏa thuận.

Các ngoại trưởng Mỹ, Iran đưa ra tuyên bố trên sau khi vòng đàm phán thứ 5 giữa Iran và các cường quốc trên thế giới nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã khép lại tại thủ đô Vienna của Áo.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi - người giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Iran, sau 10 ngày thương thảo khẩn trương tại Vienna, các bên tham gia đàm phán đã đi đến kết luận rằng họ cần trở về nước để tham vấn thêm. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ nối lại vào cuối tuần này tại Vienna.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết việc đàm phán gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân với Iran đang trở nên khó khăn hơn, làm suy yếu khả năng hợp tác giữa Tehran với tổ chức có trụ sở tại Vienna này.

Trước đó ngày 24/5, IAEA và Tehran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này hết hiệu lực ngày 22/5 vừa qua. Như vậy, thỏa thuận này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 24/6 tới.

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp.

Tuy nhiên, tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21/2/2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Mặc dù vậy, hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại các cuộc thanh sát của IAEA kể từ ngày 23/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục