Mỹ làm gì để đối phó với "sứ mệnh mới" của Trung Quốc ở châu Phi?

Việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự tại châu Phi có gây quan ngại lớn cho giới chức Mỹ và thúc đẩy cam kết rõ ràng hơn của Mỹ tại châu Phi hay không?
Mỹ làm gì để đối phó với "sứ mệnh mới" của Trung Quốc ở châu Phi? ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng Doraleh ở Djibouti. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng defensemaven.io vừa đăng bài phân tích về việc cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đang tăng cường cam kết của hai trong số các bộ quyền lực nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với an ninh và ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi trong bối cảnh Trung Quốc thâm nhập sâu về quân sự và kinh tế vào lục địa này.

Với việc thiết lập căn cứ quân sự tại cảng biển ở Djibouti năm 2017, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự tại châu Phi, gây quan ngại lớn cho giới chức Mỹ và thúc đẩy sự thảo luận về cam kết rõ ràng hơn của Mỹ tại châu Phi.

Quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Djibouti là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở châu Phi và Camp Lemonnier hiện là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ hiện diện tại châu lục này từ năm 2003. Djibouti tiếp tục duy trì cam kết đảm bảo lợi ích chung của 2 nước ở khu vực."

Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo cấp cao và các trung tâm nghiên cứu của Mỹ, sự tăng cường hiện diện quân sự nhanh chóng của Trung Quốc nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị và kinh tế vững chắc của cường quốc châu Á này. Đồng thời, động thái trên của Trung Quốc làm suy yếu sự hiện diện của Mỹ và đang ảnh hưởng lớn đến các thể chế chính trị và chiến lược ở nhiều nước châu Phi vốn thuộc liên minh của Mỹ.

Theo báo cáo tháng 3/2018 của Tướng Thomas Waldhauser, Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện nước này, Chính phủ Djibouti hiện nợ Bắc Kinh 1,5 tỷ USD và “Mỹ có lợi ích chiến lược ở Djibouti. Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự ngay sát cổng của chúng ta. Điều quan trọng là Mỹ đang ở đó và người dân châu Phi nhận thức được cam kết của chúng ta đối với những mong muốn tổng thể của họ."

Châu Phi là một lục địa đáng quan tâm do các loại khoáng sản, tài nguyên và những nguồn lực tương tự trải khắp châu lục. Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện quân sự tại châu Phi theo định hướng rõ rệt, gây ra quan ngại không chỉ do cường quốc châu Á có nhu cầu và đang khai thác tài nguyên thiên nhiên mà năm 2015, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho châu Phi, sau Nga.

[Trung Quốc đang “từ từ” tiến vào khu vực Trung Đông]

Báo cáo của Tư lệnh Waldhauser khẳng định các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Djibouti đe dọa các hoạt động quân sự của Mỹ: “Nếu Trung Quốc kiểm soát được cảng đó (Djibouti), sẽ xuất hiện mối quan ngại lớn nếu khả năng sử dụng cảng của Mỹ bị hạn chế. Hơn nữa, các tàu của Hải quân Mỹ đang tiếp nhiên liệu tại cảng này. Đó là lý do tại sao phải giám sát cảng tại Djibouti.”

Báo cáo "Hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa thông qua châu Phi: Năm yếu tố trong Chiến lược châu Phi của Trung Quốc” của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược về châu Phi (AfricaACSS) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá sự can dự trên quy mô ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi thể hiện ở hơn 80% chi phí nhập khẩu trị giá 93 tỷ USD của quốc gia châu Á này dùng cho nhập khẩu dầu thô, nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên của Lục địa Đen.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang vận hành khoảng 2.500 công trình phát triển dân dụng và dự án xây dựng trị giá 94 tỷ USD ở 51 nước châu Phi. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi và năm 2015, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã đạt 300 tỷ USD.

Sự can dự của Trung Quốc ở châu Phi gây ảnh hưởng lớn đối với Mỹ xét theo các nhân tố chiến lược cấp bách. Khoảng 6.500 lính Mỹ hiện đồn trú tại châu Phi đang huấn luyện cho lực lượng đồng minh sở tại về nhiệm vụ chống khủng bố và tìm cách mở rộng sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong bối cảnh bất ổn, các mối đe dọa khủng bố và những nguy cơ tiềm ẩn xâm nhập vào nước Mỹ từ bên ngoài.

Bài luận “Sự xâm nhập và tác động của Trung Quốc ở châu Phi” của Đại học Quốc gia Anambra, Nigeria có thể là nguyên nhân chính gây ra quan ngại mới nhất về sự chuyển hướng chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi tuy dần dần nhưng hết sức sâu sắc, toàn diện. Trung Quốc đang thể hiện những động thái quyết đoán theo cách tiếp cận riêng, mang tính phức hợp.

Các chiến thuật Trung Quốc áp dụng đều làm suy yếu phong trào dân chủ và hướng tới sự tập trung quyền lực tại các nước châu Phi và Trung Quốc đang đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc thị trường và tăng trưởng kinh tế.

Kết quả là ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi vốn được thiết lập trong những năm Chiến tranh Lạnh đang bị xói mòn một cách có hệ thống. Hiện tại, các nước châu Phi đang cân nhắc việc xóa bỏ hệ thống không thành công của phương Tây cùng với toàn bộ các điều kiện đặt ra kèm theo của hệ thống đó và đi theo mô hình phát triển tự do hơn của Trung Quốc, trong đó trước tiên theo đuổi tăng trưởng kinh tế và tiếp theo sẽ cải cách chính trị. Sự thay đổi cách tiếp cận này đang bắt đầu làm suy yếu các nỗ lực phát triển của phương Tây ở châu Phi.

Với chiến lược mở rộng rất dễ nhận biết và nhận được sự quan tâm lớn, động thái của Trung Quốc tại châu Phi thể hiện sự dịch chuyển rõ nét: Từ một cường quốc thống trị khu vực đến phấn đấu để trở thành một siêu cường quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược về châu Phi thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá: “Những động thái này phù hợp với học thuyết ‘Những sứ mệnh lịch sử mới’ đề cập đến khả năng viễn chinh nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi, duy trì sự hiện diện hải quân ở Tây Ấn Độ Dương, bảo vệ các tàu thương mại của Trung Quốc trước nạn cướp biển và hỗ trợ sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc trong thực thi các nhiệm vụ của Liên hợp quốc ở châu Phi và nhiều nội dung khác"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục