Mỹ quyết định trừng phạt Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh

Mỹ cho rằng Chủ tịch Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Libya, ông Aguila Saleh, ngăn cản một hòa ước thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc ủng hộ tại Libya.
Mỹ quyết định trừng phạt Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh ảnh 1Chủ tịch Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Libya, ông Aguila Saleh. (Nguồn: America.pink)

Ngày 13/5, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định đưa Chủ tịch Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Libya, ông Aguila Saleh vào danh sách trừng phạt, do Washington cho rằng nhà lãnh đạo này ngăn cản một hòa ước thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc ủng hộ tại Libya.

​Phát biểu của quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ John Smith​ nêu rõ ông Aguila Saleh "phải chịu trách nhiệm về việc ngăn cản tiến trình chính trị tại Libya. Quyết định này chuyền tải một thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt các đối tượng phá hoại hòa bình, an ninh và sự ổn định của Libya."

Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Aguila Saleh đã nhiều lần ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Libya nhằm ủng hộ quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ đồng nghĩa với việc "mọi tài sản hay lợi ích của ông Aguila Saleh nằm trong phạm vi tài phán của Mỹ, hay trong quyền kiểm soát của người Mỹ, sẽ bị phong tỏa" đồng thời cấm mọi công dân Mỹ tiến hành các giao dịch với ông Aguila Saleh.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 cũng đã áp đặt trừng phạt đối với ông Aguila Saleh.

Ngoài ra, EU còn trừng phạt cả ông Nouri Abusahmain, Chủ tịch của Quốc hội tại Tripoli, và ông Khalifa al-Ghwell, Thủ tướng của chính phủ tự xưng ở Tripoli.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011.

Libya tồn tại song song hai chính quyền đối địch, một tại thành phố Tripoli và một chính quyền tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành tại Tripoli hồi đầu năm nay và đang nỗ lực xác lập quyền quản lý trên cả nước.

Tuy nhiên, Quốc hội tại Tobruk do ông Aguila Saleh lãnh đạo tới nay vẫn từ chối tiến hành cuộc bỏ phiếu để ủng hộ tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục