Mỹ và Nga liệu có "bắt tay" kiểm soát năng lượng toàn cầu?

Có một tiểu cấu trúc địa kinh tế quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Nga có thể trở thành tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh Helsinki diễn ra vào chiều 16/7.
Mỹ và Nga liệu có "bắt tay" kiểm soát năng lượng toàn cầu? ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 8/11/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng World Politics Reviews vừa đăng bài viết của tác giả Nikolas Gvosdev nhận định rằng trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16/7 tới, ngoài việc đề cập đến các vấn đề địa chính trị, hai bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề địa kinh tế, trong đó có kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.

Sau đây là nội dung bài viết:

Rất nhiều bình luận cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa ông chủ Nhà Trắng và chủ nhân Điện Kremlin sẽ tập trung vào vấn đề địa chính trị.

Liệu Donald Trump có thay đổi lập trường của Mỹ không công nhận việc Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea? Liệu Vladimir Putin có thỏa hiệp về lập trường của Nga trong vấn đề Syria và Ukraine?

Và trên hết, liệu Mỹ và Nga có nối lại đàm phán về việc đảm bảo cho một mức độ ổn định chiến lược, đặc biệt là khi động chạm đến vấn đề vũ khí hạt nhân?

Đương nhiên, không nên kỳ vọng nhiều về những đột phá lớn tại cuộc gặp Trump-Putin vào tuần tới ở thủ đô Helsinki của Phần Lan. Cho tới nay, trừng phạt Nga vẫn là vấn đề thực sự gây chia rẽ hai đảng trong Quốc hội Mỹ.

Hầu như không có nghị sỹ nào ủng hộ việc D. Trump nới lỏng trừng phạt để đổi lấy sự thỏa hiệp từ Điện Kremlin, nhất là trong bối cảnh nhiều nghị sỹthuộc đảng Dân chủ cho rằng D. Trump thắng cử là nhờ sự "tiếp tay" của V. Putin.

Ngoài ra, cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thừa nhận đã "nhúng tay" vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, hay sẽ rút khỏi Ukraine và Syria theo cách Mỹ có thể chấp nhận được.

Với mong muốn cải thiện quan hệ với Điện Kremlin, Tổng thống Trump không chỉ bất đồng với đa số thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ mà còn với những nhân vật ông trực tiếp bổ nhiệm vào cơ quan này, cũng như Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.

Việc ông chủ Nhà Trắng liên tục tuyên bố muốn có sự "mặc cả lớn" với Moskva thậm chí còn không nhận được sự đồng tình từ chính đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại của ông.

Dẫu vậy, vẫn có một tiểu cấu trúc địa kinh tế quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Nga có thể trở thành tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh Helsinki.

Cuối tháng 6 vừa qua, trong một động thái không thu hút được nhiều sự quan tâm, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã gặp người đồng cấp Mỹ Rick Perry ở thủ đô Washington.

Cuộc gặp cũng có sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Novak là người phụ trách vấn đề ngoại giao năng lượng quốc tế của Điện Kremlin.

Ông và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalih al-Falih đã "ghi điểm" lớn khi đàm phán thành công việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ giữa các thành viên Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC, giúp bình ổn giá dầu trong suốt năm qua.

Chuyến công du của Bộ trưởng Novak tại Washington, diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin, là một nỗ lực nhằm mở ra một kênh đối thoại mới bên cạnh những chủ đề lâu nay giữa Moskva và Washington, đồng thời có thể giúp gạt sang một bên một loạt vấn đề căng thẳng, vốn phủ bóng đen lên quan hệ hai nước suốt 4 năm qua.

Về vấn đề Ukraine, hai bên sẽ khó đạt được thỏa hiệp như kỳ vọng của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Washington và Moskva sẽ có nhiều thứ để bàn bạc khi đề cập tới vấn đề năng lượng. Xuất khẩu năng lượng là huyết mạch của nền kinh tế Nga, là nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, đồng thời là yếu tố đặc biệt quan trọng trong các nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm đảm bảo sức ảnh hưởng của Moskva ở nước ngoài.

Điện Kremlin không giấu giếm tham vọng chấm dứt sự phụ thuộc vào Ukraine như là một quốc gia trung chuyển then chốt cho nguồn năng lượng xuất khẩu của Nga sang thị trường "béo bở" là Liên minh châu Âu (EU).

Thay vào đó, Nga đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất của hệ thống đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Bắc” kết nối trực tiếp Nga với Đức qua Biển Baltic, đồng thời xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen có tên gọi "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ."

Cả hai dự án khí đốt trên đều là mục tiêu để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, trong đó bao gồm biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty châu Âu trợ giúp Moskva về tài chính và xây dựng các hệ thống dẫn khí trên.

[Quan hệ Trung-Đông Âu và Mỹ: Đã đến lúc định hình lại?]

Mặc dù D. Trump không thể đơn phương dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay, vốn đã được Quốc hội thể chế hóa thành luật, song ông vẫn có thể sử dụng quyền hành pháp của mình để không áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung.

Quan trọng hơn, với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Tehran, Mỹ đang tìm cách đưa liên minh trừng phạt quốc tế trở lại.

Điều này đi ngược lại "quy luật sắt" của thị trường năng lượng. Khi không thể mua dầu và khí đốt từ Iran, các nước buộc phải tìm nguồn cung từ một nước khác, thường có xu hướng từ Nga, đặc biệt là đối với các nước châu Âu. Các nhà sản xuất nước này đã tận dụng tối đa tình hình để tăng sản lượng và đưa Nga trở lại vị trí đứng đầu trong số các nhà xuất khẩu năng lượng của thế giới.

Việc ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau năm 2015 đã khiến cho dầu và khí đốt của Iran thâm nhập trở lại các thị trường Nga vốn chiếm lĩnh. Các công ty năng lượng hàng đầu châu Âu và Nhật Bản bắt đầu đổ vốn đầu tư lớn vào các dự án khí đốt ở Iran.

Việc chính quyền Trump thông báo các biện pháp trừng phạt mới khiến sức mua năng lượng từ Iran sụt giảm. Nhiều dự án năng lượng mới của Tehran cũng bị đình trệ do các công ty Phương Tây xem xét lại kế hoạch tham gia của họ khi thấy Mỹ không có ý định dỡ bỏ trừng phạt.

Nếu muốn các đối tác châu Âu và châu Á ủng hộ các kế hoạch gia tăng sức ép kinh tế chống Iran, chính quyền Trump không thể cùng lúc giảm bớt dòng chảy năng lượng mà các nước này thu hút từ Nga.

Hơn nữa, chính quyền Trump cũng đang phải đối mặt với vấn đề cấp bách trong nước. Cảnh giác về một "làn sóng xanh" vào tháng 11 có thể trao quyền kiểm soát Quốc hội vào tay phe Dân chủ, phe Cộng hòa sẽ cố gắng để cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ không phải là cuộc trưng cầu dân ý về cá nhân Tổng thống Trump, mà là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho nền kinh tế Mỹ kể từ năm 2016. Do đó, giá năng lượng tăng cao sẽ là một mối đe dọa với tất cả ý đồ trên.

Washington đã hối thúc Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, nhưng Riyadh - do phải gánh chịu những hậu quả kinh tế lớn do tăng sản xuất năng lượng lần gần đây nhất theo lệnh của Mỹ - không có xu hướng phá vỡ quan hệ đối tác năng lượng mới với Nga.

Việc tăng nguồn cung năng lượng toàn cầu để giảm chi phí chỉ có thể xảy ra nếu Nga là một trong những bên hưởng lợi.

Vì vậy, trên thực tế, các phác thảo về một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga: giữ cho nền kinh tế toàn cầu ổn định bằng cách chống lại tác động của việc giảm nguồn cung dầu từ Iran - và ở mức độ thấp hơn là do sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela (nước xuất khẩu dầu mỏ lớn) - bằng cách không triển khai thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng của Nga.

Chính quyền Trump nhiều khả năng cũng sẽ gây sức ép để Moskva làm nhiều hơn nữa nhằm giúp ngăn chặn sự bành trướng sức mạnh và ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, sau khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có những đề nghị tương tự đối với Moskva.

Tuy nhiên, cốt lõi của thỏa thuận là năng lượng phải chảy. Một phần năng lượng bổ sung sẽ có nguồn gốc từ Nga. Chính quyền Trump sẽ miễn cưỡng chấp nhận điều này nếu nó giúp giữ giá năng lượng ổn định và tăng áp lực lên Iran để đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục