Năm 2019: Lĩnh vực nào sẽ bứt phá, tạo động lực cho nền kinh tế?

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho biết, năm 2019, Chính phủ lấy một thông điệp rất rõ ràng là "Năm bứt phá" để về đích, hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2016-2020.
Năm 2019: Lĩnh vực nào sẽ bứt phá, tạo động lực cho nền kinh tế? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

2018 tiếp tục là năm đạt nhiều dấu ấn nổi bật trong việc phát triển kinh tế xã hội, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, đây được coi là động lực quan trọng để có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực.

Với tiền đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong năm 2019, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần phấn đấu đạt kết quả cao hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) xoay quanh những chỉ tiêu được đặt ra trong năm 2019.

[Dấu ấn 2018: Xuất siêu đạt kỷ lục, vượt qua con số 7 tỷ USD]

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

- Thưa ông, đâu là điểm cốt lõi nào giúp kinh tế Việt Nam đạt được cùng lúc 2 mục tiêu là tăng trưởng cao và lạm phát dưới 4% trong năm 2018?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả trên. Và, theo tôi kết quả năm 2018 là cao nhất, toàn diện nhất trong 10 năm trở lại đây.

Có thể nói, điểm nhấn đầu tiên là nhờ những cải cách nền tảng về thể chế kinh tế của nhiệm kỳ này đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Đó là các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt là Nghị quyết về các chủ trương, giải pháp lớn để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả.

Ngoài ra, còn 3 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết về đổi mới sắp xếp lại nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Nghị quyết về phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tiếp theo những Nghị quyết đó, Chính phủ đã triển khai các chương trình hành động và thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hết sức mạnh mẽ.

Chúng ta nhìn thấy trong giai đoạn 2016-2018 gần như tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều đã vào cuộc một cách ích cực, chủ động và tương đối toàn diện trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng và Chính phủ liên tục chỉ đạo, tạo một sức ép hết sức mạnh mẽ về mặt hành chính trong việc cải cách môi trường kinh doanh. Và thực tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện khá rõ nét thông qua việc đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

Đơn cử, năm 2018 so với năm 2015 theo Ngân hàng thế giới chúng ta đã tăng 21 bậc, theo Diễn đàn kinh tế thế giới Việt Nam cũng tăng 5 bậc.

Bên cạnh đó, hàng loạt các chỉ số về môi trường kinh doanh theo hướng đổi mới sáng cũng được cải thiện đáng kể. 50% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh của 2018 tốt hơn nhiều so với 2017. Còn theo tổ chuyên gia thì những cải cách gần đây đã có thay đổi một cách khác biệt.

Việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tới nay có thể nói 50% đã đạt được thực chất còn 50% phải chờ đợi hướng dẫn triển khai thực hiện của những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong năm 2019 có hàng loạt những điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa có tác động tới cộng đồng doanh nghiệp phụ thuộc vào việc triển khai, thực hiện các quyết định…

Như vậy, về phía các Bộ cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể còn về phía địa phương phải chỉ đạo tổ chức thực hiện triệt để hơn để đảm bảo tất cả những cải cách đó mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2018 chúng ta cũng liên tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Dù có hàng loạt biến động không thuận từ bên ngoài song Thủ tướng và Chính phủ đã chủ động trong việc xây dựng các phương án và thực hiện các giải pháp để giảm nhẹ các ảnh hưởng và tận dụng được các cơ hội.

Tôi cũng nhìn thấy hàng loạt địa phương đã chủ động cải cách, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, nhất là thu hút đầu tư, góp phần huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển.

Năm 2019: Lĩnh vực nào sẽ bứt phá, tạo động lực cho nền kinh tế? ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

“Bứt phá” để về đích

- Với những tiền đề nói trên, ông nghĩ thế nào về cơ hội phát triển trong năm 2019?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Năm 2019, Chính phủ lấy một thông điệp rất rõ ràng là "Năm bứt phá" để về đích, hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2016-2020. Bứt phá để chuẩn bị cơ sở tốt hơn cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ 2021 và những năm tiếp theo.

Như chúng ta đã biết, từ năm 2016-2018 đã đạt được nhiều thành quả tương đối tốt cả về ổn định kinh tế vĩ mô, sức chống chịu, tăng động lực của nền kinh tế thông qua tốc độ tăng trưởng.

Ngoài ra, năm 2019 là khoảng thời gian trước khi kết thúc nhiệm kỳ để tạo nền tảng. Do đó thì trên cơ sở đã đạt được, việc điều hành của Chính phủ và Thủ tướng phải đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện các giải pháp về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thêm nguồn lực và tăng thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Điều này dựa trên nền tảng tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình để những yếu tố về chất lượng tăng trưởng ngày càng được đóng góp nhiều hơn song vẫn phải chú ý giải quyết các vấn đề xã hội, hướng đến việc phát triển bao trùm và mọi người đều được hưởng lợi trong quá trình phát triển.

- Tại buổi làm việc mới đây, tổ tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6,9-7% và lạm phát dưới 4%, vậy với tư cách thành viên tổ tư vấn, xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Quốc hội đã ra Nghị quyết trong đó xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 từ 6,6-6,8% và chỉ tiêu lạm phát khoảng 4%.

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả đã đạt được của năm 2018 cùng với những phân tích về tiềm năng của nền kinh tế, dư địa có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cơ hội từ bên ngoài…, Tổ tư vấn đã thống nhất, kiến nghị Thủ tướng trong điều hành phấn đấu để đạt được mục tiêu về tăng trưởng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, hoặc đạt được mức cao của chỉ tiêu, có thể lạm phát dưới 4%.

Theo ý kiến của tổ tư vấn, nếu chúng ta làm được như thế sẽ tạo ra các dư địa và tăng thêm sức chống chịu của nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh bất định như hiện nay, chúng ta nên có cách điều hành tạo ra những dư địa có thể phản ứng trước những thay đổi từ bên ngoài, đặc biệt là dư địa trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, dư địa trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ...

Nếu có một quyết tâm như thế thì thông điệp của Chính phủ đưa ra là cơ sở để Thủ tướng điều hành một cách quyết liệt hơn và tạo một áp lực mạnh mẽ hơn tới các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương và trong toàn hệ thống chính trị... từ đó tạo ta niềm tin thị trường, doanh nghiệp để khơi dậy sự năng động của nền kinh tế và có được một kết quả tốt hơn mong đợi.

- 5 mặt hàng xuất khẩu vượt 10 tỷ USD trong năm 2018:


- Năm 2019 đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP dựa trên 2 động lực chính là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Vậy ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng phát triển của 2 lĩnh vực trên để có thể giúp kinh tế tăng trưởng bứt phá?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Lâu nay chúng ta vẫn nhìn thấy công nghiệp chế biến, dịch vụ là những lĩnh vực đóng góp phần lớn vào tăng trưởng. Tuy nhiên, để xác định đâu là dư địa thì chúng tôi nhìn cụ thể và ở mức sâu hơn đằng sau đó để đánh giá.

Trước hết, chúng ta nhìn thấy công nghiệp chế biến chế tạo hiện vẫn đóng góp khá lớn vào tăng trưởng. Thế nhưng, qui mô của lĩnh vực này hiện tương đối lớn, tốc độ tăng trưởng cũng đã ở mức cao, do vậy tốt nhất hiện nay là phấn đấu làm sao để ở phương án bình thường nhất là không sụt giảm (nếu tăng trưởng là tốt), từ đó vẫn duy trì đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Khi nhìn vào như thế, chúng ta hãy tìm kiếm ở những ngành nghề các sản phẩm mà hiện nay có tiềm năng và qui mô còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao để phát triển.

Ví dụ như trong dịch vụ du lịch là ngành rất tiềm năng và tăng trưởng tương đối tốt; rồi lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có thể khai thác dễ hơn để đóng góp vào tăng trưởng; dịch vụ nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ... Đó là những lĩnh vực hiện còn đóng góp nhỏ và tốc độ tăng trưởng tương đối thấp song có thể can thiệp vào để nguồn lực có thể bỏ vào ít hơn nhưng vẫn tạo ra tốc độ tăng trưởng lớn.

Chúng tôi vẫn nhìn nông nghiệp tiếp tục là ngành đóng góp vào tăng trưởng mà chúng ta hiện nay chưa khai thác hết tiềm năng của nó với những giải pháp hết sức căn bản. Đó là phải quản lý mục tiêu sử dụng đất một cách linh hoạt, điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất (đặc biệt là đất nông nghiệp) để cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tự chủ trong việc lựa chọn sản phẩm cây trồng, vật nuôi để sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Với những thay đổi như thế, tính sơ bộ nếu chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, trồng rau, trồng hoa hoặc sang một vụ làm thủy sản thì giá trị gia tăng tạo ra sẽ tăng từ 7-15 lần so với việc giữ nguyên đất lúa. Đó là những tiềm năng rất lớn và là dư địa để phát triển, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, tuy bên ngoài có những biến động, song đánh giá chung trên nhiều mặt chúng tôi vẫn nhìn thấy khả năng xuất khẩu, nhập khẩu có những cơ hội để ít nhất có thể duy trì như năm 2018.

Từ những phân tích sơ bộ trên, chúng tôi cho rằng có rất nhiều dư địa. Vấn đề là Chính phủ, Thủ tướng nhìn thấy và điều hành một cách linh hoạt, nhất quán, quyết liệt cũng như các bộ, ngành, địa phương triển khai hành động, doanh nghiệp nhìn thấy những tín hiệu đó để tiếp tục đầu tư phát triển…

Đừng bi quan với thách thức

- Ông có nói 2019 là năm Việt Nam hội nhập sâu và rộng với các hiệp định thương mại chất lượng cao (CPTPP, EVFTA)… Vậy, thách thức của Việt Nam trong vấn đề này thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung: Cá nhân tôi cho rằng, trong bất cứ bối cảnh nào chúng ta cũng có thách thức và cả cơ hội. Điều quan trọng là nhận thách thức nhưng đừng bi quan và nhấn mạnh quá để không chần chừ trong hành động.

Thách thức có rất nhiều, chúng ta nói nhiều đến Chiến tranh thương mại, những bất ổn từ kinh tế bên ngoài, từ chính các hiệp định thương mại đã ký...

Thực ra trong thách thức có cơ hội và chỉ khi tận dụng được cơ hội thì mới vượt qua thách thức. Cho nên nhấn mạnh của tôi luôn là tận dụng cơ hội. Chúng ta phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ về kinh tế, đặc biệt là thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh để tạo ra cơ hội nhiều hơn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Khi cải cách như vậy, chắc chắn chi phí sẽ thấp, rủi ro ít hơn, người dân tin tưởng bỏ vốn đầu tư và chính điều đó sẽ hiện thực hóa những cơ hội mà bên ngoài mang lại, bên trọng tạo ra để vượt qua thách thức.

Tận dụng cơ hội là phải cải cách, phải thay đổi, phải sáng tạo và linh hoạt hơn và quan trọng hơn là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện cho họ.

Theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo điều hành để khởi thông và tập trung sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả, chú ý nhiều hơn vào những lĩnh vực, ngành nghề rất có tiềm năng như đề cập ở trên.

Tiếp nữa là tiếp tục cải cách thể chế và môi trường kinh doanh quyết liệt hơn nữa, cắt phá các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu; Tập trung vào cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là phải tăng dịch vụ hành chính công được thực hiện ở cấp độ 4 để giảm thiểu nguy cơ tùy ý thực hiện thủ tục hành chính của một số công chức.

Ngoài ra, phải tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể thành công tại Việt Nam mà không phải sang nơi khác lập nghiệp. Cùng lúc, phải tạo đà cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển, tận dụng cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

- Xin cảm ơn ông./.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục