Nam Định thả về tự nhiên 2 triệu cá giống các loại

 2 triệu cá giống được thả xuống sông nhằm hưởng ứng Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước tỉnh Nam Định.
2 triệu cá giống các loại được thả xuống sông Hồng, sông Đáy, sông Đào và cửa các sông Ninh Cơ, khu vực Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng), bãi triều vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định).

Hoạt động này do Trung tâm giống thủy đặc sản, Trung tâm giống hải sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định) tổ chức từ cuối tháng 3 tới 15/4 nhằm hưởng ứng ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam và Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước tỉnh Nam Định.

Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh khởi đầu cho chuỗi hoạt động này với việc thả hơn 5.000 cá giống nước ngọt về tự nhiên tại khu vực bến đồ Tân Đệ.

Trong các ngày từ 30/3-1/4, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đồng loạt thả cá giống các loại trên những dòng sông lớn, khu vực cửa sông, bãi triều trong tỉnh.

Theo ông Nguyễn Quang Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định, đây là hoạt động góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các cơ quan quản lý, ngư dân, từng bước đưa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào nề nếp.

Cùng với việc thả cá giống về tự nhiên, trong Tháng hành động năm nay, Nam Định sẽ cấp giấy phép khai thác cho các tàu khai thác thủy hải sản; kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức cho các tàu khai thác ký cam kết không vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Những năm qua, tình trạng khai thác thủy, hải sản thiếu thân thiện với môi trường của nhân dân vẫn khá phổ biến. Công nghệ, phương pháp, ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi và môi trường sống còn tồn tại ở nhiều địa phương.

Hiện nay, sản lượng thủy sản khai thác được từ nguồn lợi tự nhiên ở vùng Đồng bằng sông Hồng hàng năm chỉ bằng 10-15% so với thời kỳ trước năm 1990./.

Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục