Nam Sudan: Lực lượng thân Chính phủ lại giao tranh với phe đối lập

Đụng độ tái bùng phát ở bang Unity giàu dầu mỏ giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir với những người trung thành với thủ lĩnh đối lập kỳ cựu, Phó Tổng thống Riek Machar.
Nam Sudan: Lực lượng thân Chính phủ lại giao tranh với phe đối lập ảnh 1Binh sỹ được triển khai tại khu vực Alole, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại miền Đông châu Phi, ngày 8/4, các cuộc giao tranh lại tiếp tục nổ ra giữa lực lượng thân Chính phủ Nam Sudan với phe đối lập ở nước này, bất chấp việc hai bên đã nhất trí duy trì lệnh ngừng bắn chỉ trước đó vài ngày nhằm cứu vãn thỏa thuận hòa bình mong manh ký năm 2018.

Đụng độ tái bùng phát ở bang Unity giàu dầu mỏ giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir với những người trung thành với thủ lĩnh đối lập kỳ cựu, Phó Tổng thống Riek Machar.

Đây không phải là lần đầu tiên hai bên vi phạm lệnh ngừng bắn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh toàn diện sẽ tái diễn.

Nhiều tướng lĩnh quân sự hàng đầu ở cả 2 phía đều đã kêu gọi các binh sỹ bình tĩnh và chấm dứt ngay các hành động thù địch nhằm duy trì thỏa thuận hòa bình.

Quyền Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA-IO) thuộc phe đối lập, Trung tướng Gabriel Duop Lam, cho biết một cuộc họp an ninh chung cấp cao đã được triệu tập để tìm kiếm biện pháp hạ nhiệt tình hình.

Theo Tướng Gabriel, vấn đề mất an ninh hiện nay cần phải được giải quyết khẩn cấp.

[Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập tái cam kết với thỏa thuận hòa bình]

Trước đó, trong cuộc gặp trực tiếp hiếm hoi hôm 3/4, Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã đạt được nhất trí về việc gia hạn cam kết sáp nhập các tay súng đối lập vào quân đội quốc gia, một trong những nguyên tắc mấu chốt của thỏa thuận hòa bình năm 2018.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí duy trì lệnh ngừng bắn vốn bị phá vỡ bởi các vụ bạo lực gần đây.

Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập từ Sudan vào năm 2011, sau cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau đó, quốc gia non trẻ này lại rơi vào một cuộc cuộc nội chiến và kéo dài tới tận năm 2018 khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết.

Cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người Nam Sudan và dẫn tới việc hình thành một chính phủ chia sẻ quyền lực với hai nhà lãnh đạo và 2 lực lượng quân đội riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục