Nam Sudan: Phe đối lập ra điều kiện để ký thỏa thuận

Lực lượng đối lập ngày 8/1 tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận ngừng bắn nếu chính phủ không trả tự do cho một nhóm "các đồng sự cao cấp."

Cuộc đàm phán tại nước láng giềng Ethiopia giữa đại diện của Chính phủ Nam Sudan và phe đối lập nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài 3 tuần qua dường như gặp khó khăn khi lực lượng đối lập ngày 8/1 tuyên bố sẽ không ký thỏa thuận ngừng bắn nếu chính phủ không trả tự do cho một nhóm "các đồng sự cao cấp" của lực lượng này hiện đang bị giam giữ ở thủ đô Juba.

Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, người phát ngôn lực lượng đối lập, Yohanis Musa Pauk cho biết Chính phủ Nam Sudan nên thả 11 người bị bắt giữ ở thủ đô Juba sau các cuộc giao tranh bùng phát và kéo dài hơn 3 tuần qua để họ có thể tới tham gia đàm phán tại Ethiopia, bởi theo ông này, đây là những nhân vật đóng vai trò tích cực trong đàm phán.

Ông Pauk khẳng định sau khi những người này được thả, phe đối lập sẽ sớm ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ.

Chính phủ Nam Sudan đang phải chịu áp lực từ Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) - đóng vai trò môi giới về một thỏa thuận ngừng bắn - cũng như từ các nhà ngoại giao phương Tây - yêu cầu thả 11 của cựu Phó Tổng thống Riek Machar để thể hiện sự thiện chí.

Tuy nhiên, Chính phủ Nam Sudan đến nay vẫn bác bỏ yêu cầu này, cho rằng nên đưa những đối tượng trên ra tòa xét xử về vai trò của họ trong vụ việc mà Tổng thống Salva Kiir gọi là "mưu toan đảo chính."

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ ngày 15/12 vừa qua sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sỹ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu tiến hành đảo chính.

Xung đột bùng phát và nhanh chóng lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kirr và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Riek Machar.

Chỉ trong vòng hơn một tuần, các cuộc giao tranh đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và ít nhất 90.000 người bị mất nhà cửa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục