Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà báo khi tham gia mạng xã hội

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Báo chí với mạng xã hội” với mục đích nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong thời kỳ bùng nổ thông tin.
Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh báo cáo đề dẫn hội thảo.(Nguồn: baoquangninh.com.vn)
Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh báo cáo đề dẫn hội thảo.(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Ngày 4/10, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Báo chí với mạng xã hội” với mục đích nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng làm của người làm báo trong thời kỳ bùng nổ thông tin.

Tham dự Hội thảo có khoảng 100 nhà báo, cán bộ tuyên giáo đang công tác tại các cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và của tỉnh Quảng Ninh.

Bản lĩnh chính trị, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp người làm báo khi tham gia mạng xã hội và mỗi cơ quan báo chí cần có hành lang pháp lý là các quy định, quy tắc về việc nhà báo tham gia mạng xã hội. Đây là ý kiến chung của các nhà báo tham gia Hội thảo.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thời sự VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Đài Tiếng nói Việt Nam có quy định gồm 16 điều về việc nhà báo tham gia mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh nhà báo không được thông tin trên mạng xã hội trái với quan điểm mà VOV đã đăng tải.

Cùng quan điểm này, nhà báo Hoàng Thu Quỳnh, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cho rằng: Nhà báo phải chuẩn mực, không phát ngôn, truyền tin trái với những phát ngôn, bài viết ở cơ quan báo chí của mình; không “hai mặt” giữa làm báo và tham gia mạng xã hội.

Nhà báo phải cân nhắc tác động của mỗi lời nói, hình ảnh, thông tin khi nhà báo đưa lên mạng xã hội. Vì phía sau thông tin đó, còn là tư cách một nhà báo. Trong thông tin toàn cầu, còn là trách nhiệm với quốc gia, với đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế từ mỗi bài viết, hình ảnh, thông điệp.

Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà báo khi tham gia mạng xã hội ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)

Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus – Thông tấn xã Việt Nam nhìn nhận, khi các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, cũng như đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, tập trung sản xuất những nội dung chuyên sâu, chất lượng cao để cung cấp cho xã hội những thông tin thiết thực thì việc ngăn chặn tin giả trong thời buổi truyền thông xã hội phát triển là khả thi.

Từ chỗ bị tụt hậu trong cuộc chạy đua về tin tức trên mạng xã hội, giờ đây vai trò “gác cổng” của các cơ quan báo chí lại được đề cao hơn. Khi xuất hiện thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội, người dùng mạng hiện nay bắt đầu có xu hướng chờ đợi các cơ quan báo chí xác minh, thẩm định lại nguồn thông tin xem có chính xác không. Xa hơn nữa là chờ đợi báo chí dẫn ý kiến hay phản ứng của các cơ quan chức năng trước những vấn đề được nêu ra trên mạng xã hội.

Phó Trưởng ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Đức Hoàng cho rằng, mỗi nhà báo nên độc lập với mạng xã hội để không bị cuốn theo quan điểm đám đông của mạng xã hội mà đưa ra bản chất sự việc với quan điểm đúng đắn, để cung cấp cho người đọc.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan báo chí, nhà báo phải “hợp tác” với mạng xã hội, nhưng thường xuyên lan tỏa những thông tin điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay. Hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và được sử dụng phổ biến, tốc độ nhanh chóng, phạm vi tương tác đa chiều, không phân biệt thời gian và không gian tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội.

Theo nghiên cứu, Việt Nam có hơn 40 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, trong đó có đến 55% người sử dụng thường xuyên kết nối với internet bằng điện thoại thông minh. Các trang mạng được sử dụng thường xuyên là facebook, zalo, youtube, instagram…

Bên cạnh những ưu điểm của mạng xã hội là nhanh, ngắn gọn, gần gũi với cộng đồng, mạng xã hội còn có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Trên thực tế, mạng xã hội đã xuất hiện vô vàn những thông tin chưa chính xác, mang tính cá nhân và không được thẩm định, kiểm soát, được chia sẻ thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm. Thậm chí không thiếu những thông tin suy đồi đạo đức, văn hóa, lối sống.

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến việc định hướng dư luận, gây hoang mang và làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục