Làm gì để đáp ứng xu thế phát triển của báo chí trong giai đoạn mới?

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học báo chí và truyền thông - những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại.
Làm gì để đáp ứng xu thế phát triển của báo chí trong giai đoạn mới? ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tìm hiểu xu hướng, công nghệ mới trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và những giá trị cốt lõi, kỹ năng mới cho nhà báo trong giai đoạn mới là nội dung cơ bản của Hội thảo khoa học báo chí và truyền thông - những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại.

Hội thảo do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/7.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, giảng viên Đại học, một số nhà báo, chuyên gia truyền thông giàu kinh nghiệm đã chia sẻ, trao đổi về những xu hướng, thách thức mới của báo chí hiện đại, những yêu cầu mới cho nhà báo Việt Nam trong bối cảnh mới; hoạt động đào tạo báo chí và truyền thông tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xu thế phát triển xã hội.

Theo tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đã đặt ra cho báo chí và công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông những thách thức mới liên quan đến nội dung truyền thông, hình thức trình bày, hình thức sản xuất nội dung truyền thông, cách thức và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng truyền thông hiện đại…

Tiến sỹ Hạ nhấn mạnh những xu thế phát triển mới của báo chí và truyền thông đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông để đáp ứng nhu cầu xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

[Mega Story] Báo chí chậm: Xu hướng mới mang đến cho độc giả

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Hà, dù môi trường truyền thông, công nghệ và các yếu tố khác đã thay đổi thì những giá trị về tính chân thực, khách quan, công bằng vẫn là những giá trị cốt lõi mà báo chí cần giữ vững.

Đánh giá về xu hướng của báo chí hiện đại, ông Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông-Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự phát triển của Internet đưa đến sự tự kết nối của mỗi cá nhân, dẫn đến sự thay đổi vai trò tác động của cơ quan truyền thông đại chúng từ chỗ chi phối các cá nhân sang tương tác; xuất hiện hệ sinh thái truyền thông mới với nhiều mô hình báo chí mới dẫn đến sự thay đổi tái cấu trúc quyền lực truyền thông.

Trong bài tham luận của mình, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh những thay đổi trong thời đại mới như mạng xã hội trở thành đối trọng của báo chí; công chúng có trình độ văn hóa cao, tiếp cận rộng rãi công nghệ thông tin, tự đảm trách thông tin, đã đưa đến những xu hướng mới của báo chí như chuyển dịch từ báo chí đại diện sang báo chí công dân hay báo chí cộng đồng - nơi mọi công dân đều có thể trở thành nhà báo, trí tuệ nhân tạọ bắt đầu được áp dụng trong nghề báo…

Ông Nguyễn Văn Hà cho rằng các xu thế báo chí hiện đại trên thế giới cho thấy, sự tiến bộ của kỹ thuật công nghệ, kể cả trí tuệ nhân tạo vẫn không thể thay thế được vai trò của con người trong nghề báo. Tính chính trực, khả năng viết tốt, biên tập tốt và giao tiếp tốt vẫn là những phẩm chất căn bản và bất biến đối với người làm báo.

Chia sẻ kết quả công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, bà Hoàng Lê Thúy Nga, Khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học, Đại học Huế, cho rằng trước những yêu cầu của xu thế báo chí hiện đại, cần xây dựng và đổi mới khung chương trình đào tạo; xây dựng mô hình đào tạo liên kết giữa nhà trường với các đơn vị báo chí, truyền thông, đơn vị sử dụng lao động. Công tác giáo dục đào tạo cần chú trọng giảng dạy thực hành, kỹ năng; quan tâm hơn nữa đến giáo dục giá trị đạo đức, giá trị của sự cống hiến, sự dấn thân, lý tưởng nghề nghiệp của những người trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về một số mô hình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông như đào tạo Media Literacy (khả năng tiếp cận, phân tích, đánh giá, sáng tạo và ứng xử với những dạng truyền thông hiện có) ở Việt Nam; hoạt động đào tạo báo chí chất lượng cao; cách tiếp cận CDIO (mô hình lý thuyết về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra) trong đào tạo bậc đại học lĩnh vực báo chí và truyền thông; những thách thức trong chương trình đào tạo báo chí hệ chất lượng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục