Nga cấm giao hàng theo hợp đồng áp giá trần dầu mỏ của phương Tây

Văn kiện được đăng tải trên cổng thông tin của chính phủ Nga cho biết Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính Nga phải phê duyệt thủ tục giám sát giá dầu xuất khẩu của nước này trước ngày 1/3 tới.
Nga cấm giao hàng theo hợp đồng áp giá trần dầu mỏ của phương Tây ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Gazprom tại ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/1, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký nghị định về thủ tục thực hiện sắc lệnh Tổng thống liên quan áp giá trần dầu mỏ, theo đó cấm giao hàng đối với các hợp đồng mua bán có hạn chế về giá đối với sản phẩm này.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn văn kiện được đăng tải trên cổng thông tin của chính phủ cho biết Bộ Năng lượng và Bộ Tài chính Nga phải phê duyệt thủ tục giám sát giá dầu xuất khẩu của nước này trước ngày 1/3 tới.

Các công ty xuất khẩu dầu mỏ theo yêu cầu hằng tháng phải cung cấp thông tin về hợp đồng và giá bán, cũng như thông tin để xác minh rằng giá dầu không tuân theo cơ chế ấn định giá đối với người mua sau cùng. Ngoài ra, cơ quan hải quan phải ngăn việc vận chuyển dầu thô khỏi Nga nếu nhận thấy các cơ chế như vậy được áp dụng.

[Châu Âu đổ xô tích trữ dầu diesel trước lệnh cấm nhập sản phẩm dầu Nga]

Ngày 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng, từ ngày 1/2/2023, cho các nước áp dụng trần giá dầu.

Trước đó, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã nhất trí từ ngày 5/12/2022 cấm bán bảo hiểm, tài chính và môi giới hàng hải của phương Tây cho các lô dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có giá trên 60 USD/thùng như một phần trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine.

Các đồng minh phương Tây đã lên kế hoạch, kể từ ngày 5/2, sẽ áp dụng 2 mức trần đối với các sản phẩm dầu của Nga, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn so với dầu thô, như dầu diesel hoặc dầu khí, và một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu như dầu thô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục