Nga và Hungary thống nhất hoãn thanh toán tiền mua khí đốt

Nguồn cung khí đốt của Nga cho Hungary sẽ được chuyển từ tuyến phía Tây sang phía Nam thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream).
Nga và Hungary thống nhất hoãn thanh toán tiền mua khí đốt ảnh 1Nhà máy xử lý khí đốt của Tập đoàn Gazprom, Nga ở Khanty-Mansiysk. (Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN)

Ngày 12/10, sau cuộc hội đàm tại Moskva với người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Hungary Peter Szijjarto công bố Budapest đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với Gazprom về việc hoãn thanh toán tiền mua khí đốt của Nga.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn lời ông Szijjarto xác nhận: “Để cải thiện điều kiện tài chính, Giám đốc điều hành của Akaszt Meg Sport sẽ ký thỏa thuận trả chậm (tiền mua khí đốt của Nga) vào ngày 13/10, để các điều khoản thanh toán của chúng tôi trở nên thuận lợi hơn.”

Nguồn cung khí đốt của Nga cho Hungary sẽ được chuyển từ tuyến phía Tây sang phía Nam thông qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream).

Trong khi đó, phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Moskva, Bộ trưởng Tài nguyên và Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatith Donmez ngày 12/10 đánh giá đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế có thể thực hiện được.

Ông Denmez chia sẻ: “Đề xuất này của Tổng thống Nga Vladimir Putin cần được thảo luận một cách toàn diện. Nhưng tôi cho rằng nó có thể thực hiện được. Nga đã triển khai thành công các dự án cơ sở hạ tầng.”

[Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu]

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Moskva, Tổng thống Putin cho biết Nga có kế hoạch mở rộng phạm vi cung cấp khí đốt và “đưa hàng hóa ra thị trường thế giới."

Ông đề xuất chuyển khối lượng quá cảnh từ đường ống vận chuyển khí đốt Dòng chảy phương Bắc sang Biển Đen. Theo nhà lãnh đạo Nga, có thể xây dựng tuyến đường chính cung cấp khí đốt tự nhiên từ Liên bang Nga đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Để đạt mục tiêu này, ông đề nghị xây dựng một trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày 12/10, phát biểu bên lề Tuần lễ Năng lượng Moskva, người đứng đầu Gazprom Neft - ông Alexender Dyukov - cho hay công ty này không có ý định cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt mức giá trần.

Ông Duykov nêu rõ: “Như (Phó Thủ tướng) Alexander Valentinovich (Novak) đã tuyên bố trong ngày hôm nay, nếu mức giá trần được đưa ra, thì chúng tôi sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia áp đặt mức giá trần này."

Theo ông Duykov, giá dầu vẫn ổn định ở mức khoảng 80-100 USD/thùng trong một thời gian dài.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gói trừng phạt thứ 8 đối với Moskva, bao gồm khung pháp lý để áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga, cũng như hạn chế vận chuyển dầu và những sản phẩm dầu mỏ bằng đường biển tới các nước thứ 3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục