Nga xoay trục trở lại châu Phi và sự dè chừng của Mỹ, Trung Quốc

Mỹ không phải là cường quốc duy nhất bị đe dọa bởi ảnh hưởng của Nga ở châu Phi mà Trung Quốc cũng đang lo đối phó với sự cạnh tranh ảnh hưởng của Xứ sở Bạch dương trên lục địa Đen này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, phía trước) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi ngày 24/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, phía trước) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi ngày 24/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng brookings.edu ngày 14/11 đăng bài phân tích về những mục tiêu của Nga tại châu Phi, nội dung như sau:

Tháng 10 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất kết thúc trong ánh hào quang và các bức ảnh hào nhoáng, nhưng cũng mang lại 12,5 tỷ USD từ các giao dịch thương mại, chủ yếu về vũ khí và ngũ cốc.

Ngoài phô diễn về sự đoàn kết và tình bạn, hội nghị thượng đỉnh cũng đặt ra một số câu hỏi như "Nga thực sự muốn gì ở châu Phi?" "Các đồng minh truyền thống của châu Phi, đặc biệt là Mỹ, sẽ phản ứng như thế nào trước việc Nga tăng cường can dự với lục địa này?" Và "Nga có những gì để cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi?"

Lợi ích của Nga ở châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi vừa kết thúc có thể đơn giản khái quát là một sự kiện sao chép ồn ào của Nga để theo kịp xu thế tổ chức và thể chế hóa các hội nghị với châu Phi của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp và Mỹ.

Từ những năm 2000, Nga bắt đầu quan tâm trở lại châu Phi, thể hiện ở mức tăng thương mại châu Phi-Nga lên 185% trong giai đoạn 2005-2015. Có nhiều lý do để Nga tăng cường can dự tại châu Phi.

Thứ nhất, thể hiện sức mạnh toàn cầu, châu Phi đang chiếm giữ nhiều phiếu nhất tại Liên hợp quốc và việc Nga ủng hộ các nước châu Phi sẽ giúp nước này củng cố các đồng minh nhằm cạnh tranh với trật tự an ninh hiện nay do Mỹ và châu Âu thống trị.

Chiến lược của Nga đã được giới chức Mỹ chú ý, bởi năm 2018 cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cáo buộc Nga bán vũ khí cho các nước châu Phi để đổi lấy phiếu bầu tại Liên hợp quốc và một số mục tiêu mờ ám khác.

Thứ hai, tiếp cận nguồn nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên. Giống như các cường quốc khác trên thế giới, Nga cũng có nhu cầu đối với nguồn nguyên liệu thô của châu Phi và đang thiết lập các dự án chung và đầu tư để tiếp cận các nguồn tài nguyên này.

Từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Cộng hòa Trung Phi, các công ty Nga đang tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên như coltan, côban, vàng và kim cương.

Chẳng hạn, tại Zimbabwe, liên doanh giữa Công ty cổ phần Afromet của Nga và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pen East của Zimbabwe đang khai thác một trong những trữ lượng kim loại nhóm bạch kim lớn nhất thế giới.

Tại Angola, công ty khai khoáng Alroser của Nga gần đây đã tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty sở tại Catoca lên 41% dựa theo thỏa thuận cho phép cung cấp cho tập đoàn của Nga cơ sở sản xuất tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Mặc dù đồng sở hữu với Angola, Catoca đặt dưới sự quản lý của Nga. Đáng chú ý, khoảng hơn 30% hàng hóa mà Nga nhập khẩu từ châu Phi là nông sản, bao gồm trái cây, cacao, càphê và khoai tây.

Thứ ba, xuất khẩu vũ khí và dịch vụ an ninh. Trong những năm gần đây, Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi, chiếm 35% xuất khẩu vũ khí cho khu vực, tiếp theo là Trung Quốc (17%), Mỹ (9,6%) và Pháp (6,9%).

Từ năm 2015, Nga đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác quân sự song phương với các quốc gia châu Phi. Thậm chí, công dân Nga Valeriy Zakharov được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra.

Vũ khí Nga hấp dẫn các nhà lãnh đạo châu Phi bởi giá tương đối rẻ và các thỏa thuận với Nga thường không bị ràng buộc theo các vấn đề nhân quyền như của Pháp và Mỹ.

[Tổng thống Nga khẳng định ưu tiên phát triển quan hệ với châu Phi] 

Thứ tư, hỗ trợ phát triển năng lượng và điện ở châu Phi thông qua các công ty của Nga. Châu Phi đang bị thiếu hụt về điện năng với giá cả phải chăng và ổn định - điều này khiến Lục địa Đen trở thành địa điểm hấp dẫn đối với ngành năng lượng và điện năng của Nga.

Nga xoay trục trở lại châu Phi và sự dè chừng của Mỹ, Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa, hàng đầu) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi ngày 24/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số công ty nhà nước của Nga như Gazprom, Lukoil, Rostec và Rosatom đang hoạt động ở châu Phi, tập trung chủ yếu ở Algeria, Angola, Ai Cập, Nigeria và Uganda.

Cho đến nay, Rosatom đã ký các biên bản ghi nhớ và thỏa thuận phát triển năng lượng hạt nhân với 18 nước châu Phi, bao gồm Ai Cập, Ghana, Kenya, Zambia, Rwanda, Nigeria và Ethiopia.

Chỉ riêng năm 2018, Rosatom đã đồng ý xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân loại VVER 1200 MW ở Ai Cập với chi phí xây dựng và bảo trì trị giá 60 tỷ USD, trong đó Nga cung cấp khoản vay lên tới 25 tỷ USD với lãi suất 3%/năm.

Nga cũng muốn sử dụng các công ty dầu khí, chủ yếu của nhà nước, để tạo ra các nguồn cung cấp năng lượng mới.

Chẳng hạn, năm 2018, công ty khai thác dầu khí Nigeria Oranto Oil tuyên bố sẽ hợp tác với nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Rosneft, để phát triển 21 dự án dầu mỏ ở 17 quốc gia châu Phi.

Một số công ty Nga cũng đầu tư đáng kể vào các ngành công nghiệp dầu khí tại Algeria, Libya, Nigeria, Ghana, Côte d’Ivoire và Ai Cập.

Cạnh tranh kinh tế

Do việc Nga xoay trục trở lại châu Phi, nhiều nhà quan sát tự hỏi liệu Mỹ - như phản ứng tự nhiên trong quá khứ - có tái khởi động Học thuyết Truman được áp dụng vào cuối thập niên 1940 hay không? 

Tại châu Phi, các lợi ích của Mỹ và Nga đã ở thế xung đột, chẳng hạn, tại Mozambique, Exxon Mobil (Mỹ) có các khoản đầu tư lớn vào khí đốt tự nhiên nhưng lính đánh thuê Nga cũng được triển khai tại nước này - tạo ra căng thẳng tiềm năng. 

Mỹ không phải là cường quốc duy nhất bị đe dọa bởi ảnh hưởng của Nga ở châu Phi.

Trong bối cảnh lợi thế kinh tế của Trung Quốc-GDP gấp khoảng 7 lần của Nga và năm 2017 thương mại Trung Quốc-châu Phi đạt 56 tỷ USD, so với mức 3 tỷ USD của Nga (trong khi thương mại Mỹ-châu Phi thời đó là 27 tỷ USD), Nga đặc biệt tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Phi. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ 1 vừa qua tại Sochi, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố xóa nợ 20 tỷ USD đối với các nước châu Phi và đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi thương mại Nga-châu Phi lên 40 tỷ USD/năm.

Hàm ý của việc Nga tăng cường can dự tại châu Phi

Nếu việc Nga tăng cường lợi ích tại châu Phi như một lời cảnh báo đối với lợi ích của Mỹ đang giảm dần ở châu lục thì điều này có thể mang lại cả những cơ hội và mối đe dọa đối với châu Phi.

Chẳng hạn, có khả năng các đồng minh truyền thống của châu Phi sẽ cố gắng làm suy yếu các sáng kiến của Nga ở lục địa (và ngược lại) như một phần của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai bên.

Tương tự, sự quan tâm trở lại của các đồng minh truyền thống của châu Phi tạo cơ hội cho các nước châu lục có thể khai thác cả 2 cường quốc vì lợi ích của châu lục theo cách lục địa đã từng làm trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, mức độ thành công của Nga trong việc đạt được những gì nước này mong muốn từ châu Phi cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của các đồng minh truyền thống của châu Phi, đặc biệt là Mỹ, đối với mối quan tâm sâu sắc của Moskva tại lục địa này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục