Thấm thía những thiệt hại do đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 bùng phát hồi đầu năm gây ra, hiện doanh nghiệp tại Hải Dương đặc biệt chú trọng phòng chống dịch.
Cơ quan chức năng vừa tăng cường kiểm soát, vừa hướng dẫn và tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp giữ vững được môi trường an toàn trước dịch COVID-19 để an tâm sản xuất.
Đồng lòng chống dịch
Những ngày này, cũng như hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Chi nhánh Công ty cổ phần dây và cáp điện TAYA Việt Nam có trụ sở tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng đang phải gồng mình lấy lại đà sản xuất mong phần nào bù đắp những tổn thất do đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm.
Ông Lin Guang Cing, Phó Giám đốc Chi nhánh công ty chia sẻ khi huyện Cẩm Giàng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg vào thời điểm tháng 2/2021 thì 70% lao động của công ty nghỉ tại nhà, các vị trí chủ chốt chuyển sang làm việc online.
Giãn cách xã hội khiến tiến độ giao hàng bị chậm trễ, chi phí vận chuyển tăng cao. Nửa đầu năm 2021, doanh thu của công ty giảm do lượng đơn hàng giảm 30%.
Tuy nhiên, đó là việc làm cần thiết, quyết liệt khống chế sự lây lan của dịch bệnh nên doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành.
Với 128 lao động, trong đó có khoảng 20% lao động ở tỉnh ngoài, công ty đã bố trí chỗ ăn, nghỉ cho người lao động tại ký túc xá công ty hoặc thuê nhà trọ tại huyện Cẩm Giàng. Số lao động còn lại được nghỉ dịch và vẫn được chi trả lương tối thiểu vùng cũng như khoản phúc lợi khác theo quy chế.
Hiện dịch COVID-19 đang phức tạp, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống dịch, phát huy hiệu quả Tổ An toàn COVID, tăng cường tuyên truyền và yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm quy định 5K.
Công ty TAYA đã xây dựng phương án “3 tại chỗ” để duy trì và đảm bảo cho ít nhất 70% lao động yên tâm làm việc trong tình huống nếu dịch bệnh diễn biến xấu; đồng thời, lên kế hoạch mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động.
[Hải Dương: Thêm 10 ca mắc mới liên quan đến ổ dịch ở huyện Nam Sách]
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Clark Material Handling Việt Nam, tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, ảnh hưởng của đợt dịch hồi đầu năm nay nên đến tháng 7/2021, doanh nghiệp này chỉ mới đạt 35% kế hoạch sản xuất năm.
Trước diễn biến đợt dịch thứ tư đang bùng phát mạnh, mặc dù tỉnh Hải Dương đang kiểm soát tốt nhưng doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch.
Người lao động được kiểm tra thân nhiệt hàng ngày và theo dõi, giám sát sức khỏe thường xuyên, khuyến cáo không đi đến các vùng có dịch. Doanh nghiệp không tiếp khách hàng đến từ vùng dịch, phun khử khuẩn nhà máy và các phương tiện đi công tác ngoài tỉnh về...
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Giàng, hiện huyện có hơn 400 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động ngoại tỉnh như giày da, may mặc thời gian qua giảm lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đến nay, trên 170 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại với hơn 14.290 lao động.
Hướng dẫn doanh nghiệp các nội dung thực hiện nhiệm vụ kép, huyện đã ban hành quyết định về tăng cường phòng chống dịch tại doanh nghiệp; bố trí đoàn kiểm tra đôn đốc. Nơi nào chưa đảm bảo điều kiện phòng chống dịch sẽ bị buộc tạm dừng hoạt động, khi khắc phục xong mới được phép hoạt động trở lại.
Tăng cường kiểm soát
Mới đây, ngày 20/7, Công ty trách nhiệm hữu hạn GFT Unique Việt Nam tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện có 1 nữ công nhân quê Hưng Yên dương tính với SARS-CoV-2 khiến doanh nghiệp này phải tạm thời đóng cửa, kịp thời thực hiện các biện pháp ứng phó.
Trước đó, doanh nghiệp đã chủ động nâng cao ý thức phòng chống dịch nên không để lây lan sang. Đến nay, doanh nghiệp này đã hoạt động trở lại, trừ một số trường hợp F1, F2 đang tuân thủ cách ly.
Tuy vậy, mối lo về nguy cơ dịch bệnh vẫn còn đó, khiến các doanh nghiệp không thể chủ quan.
Thanh Miện hiện có 170 doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thanh Miện, địa phương thường xuyên theo dõi các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, tập trung quản lý người lao động, yêu cầu thực hiện 5K; tăng cường kiểm tra, giám sát sự chấp hành của doanh nghiệp.
Theo thống kê, tỉnh Hải Dương có trên 14.000 doanh nghiệp với trên 360.000 lao động; trong đó, có 11 khu công nghiệp với 108.000 người lao động đang làm việc.
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho rằng nguy cơ xảy ra dịch tại các doanh nghiệp là rất lớn.
Từ ngày 27/7 đến nay, huyện Nam Sách liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc mới. Hiện các doanh nghiệp đang tích cực rà soát những trường hợp liên quan.
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã nâng cao hiệu quả Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng, hạn chế việc giao lưu giữa người lao động của các doanh nghiệp khi về nơi lưu trú.
Trong văn bản 2704/UBND-VP ngày 27/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã quy định riêng và hướng dẫn doanh nghiệp đón chuyên gia, người lao động, chủ doanh nghiệp đang cư trú tại Hà Nội (nơi đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng) được quay trở lại Hải Dương cư trú và làm việc tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đều phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh.
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã gửi văn bản đề nghị doanh nghiệp báo cáo phương án đưa đón, địa chỉ lưu trú của chuyên gia và người lao động sau khi từ Hà Nội về Hải Dương; đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp nêu cao tính chủ động, tăng cường quản lý người ngoài vào doanh nghiệp giao nhận hàng, hạn chế tiếp xúc với người giao hàng; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án bố trí làm việc “3 tại chỗ” và hoàn thành ngay trong tuần, ông Phương cho biết.
Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhưng với điều kiện phải chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 là quan điểm được lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố ngày 28/7 vừa qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện cần chủ động hướng dẫn cho doanh nghiệp đón chuyên gia, người lao động từ Hà Nội quay lại Hải Dương làm việc và quản lý chặt chẽ những trường hợp này; doanh nghiệp phải chủ động sàng lọc sớm SARS-CoV-2 cho tối thiểu 20% lao động.
Các địa phương thống kê số lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn và số lao động tỉnh ngoài cư trú trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, nơi nào chưa đáp ứng điều kiện, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục./.