Ngày 4/4, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) - ngân hàng cho vay lớn nhất Canada - đã phủ nhận có bất kỳ hoạt động sai phạm nào sau khi bị phát hiện có tên trong “Hồ sơ Panama,” vụ rò rỉ dữ liệu đình đám đang gây chấn động thế giới hiện nay.
Trong tuyên bố của mình, RBC khẳng định luôn áp dụng các “tiêu chuẩn cao” nhằm đảm bảo rằng không một công ty nước ngoài nào có thể sử dụng tài khoản tại ngân hàng này để trốn thuế ở Canada hay bất kỳ đâu.
Người phát ngôn của RBC Tanis Feasby nhấn mạnh: “Có nhiều lý do chính đáng để thành lập một công ty cổ phần. Nếu chúng tôi nhận thông tin rằng một khách hàng nào đó có ý định phạm pháp bằng cách trốn thuế, chúng tôi đã tố cáo và không làm việc với họ.”
RBC đưa ra tuyên bố trên sau khi bị phát hiện có tên trong “Hồ sơ Panama” cùng hàng nghìn ngân hàng khác trên thế giới. Tuy nhiên, theo hãng tin CBC của Canada, những tài liệu mà hãng này có được cho thấy RBC đã sử dụng các dịch vụ của Mossack Fonseca để giúp các khách hàng thành lập ít nhất 370 công ty.
Trong khi đó tờ The Guardian và Đài BBC cùng ngày đưa tin Công ty trách nhiệm hữu hạn DCB Finance, một công ty bình phong Triều Tiên được sử dụng để giúp tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng có tên trong “Hồ sơ Panama.”
Tài liệu rò rỉ này cho thấy công ty có trụ sở tại Bình Nhưỡng này đăng ký ở quần đảo Virgin Anh vào năm 2006 và đã được công ty luật Mossack Fonseca sáp nhập một cách hợp pháp.
“Hồ sơ Panama” ghi lại những thông tin về việc công ty Mossack Fonseca đã giúp hàng trăm khách hàng, gồm các công ty và cá nhân, trốn thuế và rửa tiền thông qua việc lập 214.000 công ty ma trên toàn thế giới. Trong số các nhân vật được nêu tên có nhiều nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo các nước, chính khách, các ngôi sao, trùm ma túy.../.