Ngân hàng thế giới hỗ trợ thêm 100 triệu USD chống dịch Ebola

WB tuyên bố hỗ trợ thêm 100 triệu USD nhằm xúc tiến việc triển khai các nhân viên y tế nước ngoài đến Liberia, Sierra Lone và Guinea đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành nặng nề.
Ngân hàng thế giới hỗ trợ thêm 100 triệu USD chống dịch Ebola ảnh 1Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân (PPE) bên ngoài trung tâm chữa trị Ebola do tổ chức phi chính phủ Bác sỹ không biên giới (MSF) điều hành tại thủ đô Monrovia, Liberia ngày 27/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/10, Ngân hàng thế giới (WB) tuyên bố hỗ trợ thêm 100 triệu USD nhằm xúc tiến việc triển khai các nhân viên y tế nước ngoài đến ba quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành nặng nề nhất gồm Liberia, Sierra Lone và Guinea.

Khoản hỗ trợ trên sẽ giúp thiết lập một trung tâm điều phối hợp tác chặt chẽ với ba quốc gia, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Phái bộ phản ứng khẩn cấp chống Ebola của Liên hợp quốc (UNMEER) sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng, huấn luyện và triển khai các nhân viên y tế nước ngoài đạt chuẩn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, sẽ cần khoảng 5.000 nhân viên y tế, huấn luyện và hỗ trợ tại ba quốc gia trên trong những tháng tới để ứng phó với dịch Ebola.

Cùng ngày, Kenya đã công bố các biện pháp trong kế hoạch khẩn cấp nhằm tăng cường chuẩn bị và khả năng ứng phó trước dịch bệnh Ebola.

Trong một phiên họp nội các tại thủ đô Nairobi, Tổng thống Uhuru Kenyatta chỉ đạo việc thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia giám sát 24/24 giờ bất cứ dấu hiệu nào của bệnh Ebola tại nước này. Bộ Y tế Kenya cũng được yêu cầu thành lập một nhóm ứng phó Ebola trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Cho đến thời điểm này, Viên nghiên cứu y tế về Ebola (KEMRI) đã xét nghiệm ít nhất 36 trường hợp nghi nhiễm bệnh và đều cho kết quả âm tính.

Để đảm bảo không có ca lây nhiễm nào tại Kenya, chính phủ nước này yêu cầu tất cả hành khách đều phải quét thân nhiệt. Đã có 11 máy quét được đặt tại các sân bay chính và sẽ có thêm nhiều máy được cài đặt trong những ngày tới. Việc xây dựng trung tâm cách ly tại Bệnh viên quốc gia Kenya gần hoàn thành, trong khi hai trung tâm khác trong quá trình xây dựng. Khoảng 10.000 nhân viên đã được huấn luyện để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và chuẩn bị cho trường hợp bất ngờ. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề chính như ngăn ngừa và kiểm sát, lây nhiễm, giám sát, chuẩn đoán và quản lý bệnh nhân, bản chất của căn bệnh do virus Ebola gây ra.

Trong khi đó, giới chức Y tế Nigeria cho biết sẽ sớm triển khai 506 nhân viên y tế tình nguyện đến Liberia, Guinea và Sierra Leone để giúp kiểm soát sự lây lan dịch bệnh Ebola. Mặc dù được WHO xác nhận thoát khỏi dịch bệnh Ebola, song Bộ trưởng Y tế Nigeria Khaliru Alhassan vẫn kêu gọi chính quyền các bang tăng cường hệ thống giám sát cùng các trung tâm cách ly để chuẩn bị cho những mối đe dọa trong tương lai, cũng như nhắc nhở người dân duy trì cảnh giác.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, một phái bộ Hải quân của Anh đã đến Sierra Leone để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhiễm virus Ebola. Theo đó, con tàu hỗ trợ y tế quân đội mang tên Argus đã khởi hành từ Tây Nam nước Anh đến Freetown, mang theo các thiết bị để xây dựng các cơ sơ y tế, cùng 80 nhân viên y tế và 80 lính thủy đánh bộ, nâng tổng số nhân viên Anh được điều phối đến Sierra Leone để chống dịch Ebola lên khoảng 900 người.

Ngoài ra, còn có 32 xe tải, ba trực thăng, nhân viên phi hành đoàn cùng các kỹ sư để cung cấp phương tiện vận chuyển và hỗ trợ tới các nhóm y tế và nhân viên cứu trợ. Mặc dù chiếc tàu được trang bị như một "bệnh viện nổi," song các bệnh nhân Ebola sẽ không được đưa ra nước ngoài. Bất cứ thành viên nào trên tàu tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ được gửi đến các trung tâm điều trị trên bờ.

Trước đó, tối 29/10, chuyến hàng cứu trợ của Trung Quốc nhằm giúp Ghana chống lại dịch bệnh Ebola bùng phát đã đến sân bay quốc tế Kotoka tại Accra. Số hàng này bao gồm găng tay, mặt nạ, kính bảo hộ, máy kiểm tra và theo dõi thân nhiệt.

Ngoài Ghana, các quốc gia khác dự kiến cũng được nhận số hàng cứu trợ trên gồm Benin, Guinea Bissau, Cote d'Ivoire và Nigeria. Cho đến nay, Ghana vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nhiễm Ebola nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục