Ngành dược phẩm phát minh Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng để tạo ra giá trị kinh tế lớn cho xã hội. Tuy đang phải đối mặt với những thách thức bởi khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, Việt Nam vẫn mang trong mình nhiều cơ hội phát triển từ tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực đến vị trí địa chính trị của quốc gia.
Việc dễ dàng tiếp cận và tận dụng công nghệ thông tin trong thời đại số hóa sẽ kiến tạo cơ hội giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành dược phẩm Việt Nam.
[82 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng]
Thông tin trên được đưa ra tại đối thoại hiện thực hóa tiềm năng ngành y tế-đột phá trong tầm tay do Tiểu ban Dược phẩm Eurocham (Pharma Group) và KPMG Việt Nam tổ chức ngày 7/7, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ngài Gareth Ward-Đại sứ Anh tại Việt Nam nhấn mạnh cảm ơn đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã điều trị và chăm sóc cho những công dân của Anh cũng như công dân nước ngoài mắc bệnh COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua.
“Tuần tới bệnh nhân 91-nam phi công người anh sẽ được đưa về nước. Chúng tôi biết ơn những nỗ lực và sự tận tình của ngành y tế Việt Nam đã chăm sóc, cứu chữa tận tình cho nam phi công người Anh trong suốt hơn 3 tháng qua,” Đại sứ Gareth Ward cho biết.
Đại sứ Anh phân tích đối thoại là dịp để đại diện chính phủ các nước cùng trao đổi về những cơ hội mở khoá tiềm năng cho ngành y tế của Việt Nam. Chính phủ Anh nhiều năm qua đã có nhiều cam kết hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, các dự án quản lý về bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm…
Tại cuộc đối thoại đa bên, các chuyên gia cùng thảo luận về các cơ hội để thực hiện hóa tiềm năng đầy đủ của ngành y tế tại Việt Nam, đặc biệt là làm thế nào để hình thành một môi trường kinh doanh dài hạn có tính dự đoán, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận cho bệnh nhân và gặt hái được các giá trị từ ngành dược phẩm phát minh.
Cũng tại sự kiện này, KPMG Việt Nam đã ra mắt Báo cáo mới nhất với tiêu đề Giá trị của ngành Dược phẩm Phát minh.
Theo báo cáo mới công bố, hiện nay, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị tăng từ 2,7 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 3,6 tỷ USD vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6% dựa vào sự tăng trưởng trong giai đoạn từ 2015 đến 2017. Từ đó cho thấy sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp dược phẩm, với 44.000 lao động đang làm việc.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có vị thế để tham gia chuỗi giá trị trong khoa học đời sống thuận lợi và sớm hơn một số quốc gia ASEAN khác và có thể thu hút nguồn đầu tư hơn nữa từ ngành công nghiệp dược phẩm phát minh để hiện thực hóa điều này.
Để tận dụng tối đa các cơ hội này, Việt Nam cần cải cách những chính sách cần thiết và đặt ra đường hướng triển khai trong nhiều lĩnh vực, từ chiến lược ưu đãi đầu tư, khuôn khổ pháp luật đến các chương trình giáo dục và đào tạo.../.