Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Trải qua 200 năm phát triển, quy trình sản xuất của bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều thay đổi, ngoại trừ người dân có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ như máy xay bột, máy nạo dừa.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ trao quyết định Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng cho đại diện chính quyền địa phương. (Ảnh: TTXVN phát)

Với những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con làng nghề hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào ngày 6/3/2023.

Làng nghề làm bánh tráng hơn 200 tuổi

Làng bánh tráng Thuận Hưng có địa chỉ tại khu vực Tân Phú, thuộc Phường Thuận Hưng, Quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ.

Làng nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng có hơn 200 năm làm nghề với tất cả 500 lò bánh ngày đêm rực lửa làm bánh cung cấp cho thị trường.

Ngày 19/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ phối hợp Ủy ban Nhân dân quận Thốt Nốt tổ chức lễ công bố, trao, đón nhận quyết định, giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Đây là làng nghề truyền thống đầu tiên của Cần Thơ nhận được vinh dự này.

[200 năm thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng: Tự hào và thách thức]

Làm bánh tráng ở Thuận Hưng là một nghề thủ công truyền thống, hình thành từ giữa thế kỷ 19 và được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Người làm bánh tráng Thuận Hưng tập trung nhiều nhất ở hai khu vực Tân An và Tân Phú, với 68 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống và 3 hộ đầu tư máy móc sản xuất.

Với 200 năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng đã trải qua đủ “cung bậc” thăng trầm.

Từ những hộ làm bánh nhỏ lẻ ban đầu, bánh tráng Thuận Hưng dần được thị trường ưa chuộng. Sau đó, khi cung không đủ cầu, các hộ dân lân cận bắt đầu gia nhập vào chuỗi cung ứng.

Ở nơi này, cha mẹ truyền lại "bí kíp" cho con, còn những người hàng xóm thì chỉ nghề cho nhau. Lò nhà nào cũng đỏ lửa, những vỉ bánh tráng phơi tít tắp dọc khắp các con đường.

Quy trình làm bánh tráng của người dân Thuận Hưng

Bánh tráng ở Thuận Hưng có nhiều loại, mỗi loại đều có hương vị riêng mà không nơi nào có được.

Bánh tráng Thuận hưng dai ngon, có hương gạo thơm và không hề bị bở.

Theo thời gian, làng nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng đã trở thành một điểm đến rất nổi tiếng, thu hút khách gần xa khi ghé thăm Cần Thơ.

Khi bước chân tới cổng làng, du khách sẽ cảm nhận được hương thơm đặc trưng của mùi khói và bột dừa. Đặc biệt, lúc này khung cảnh tuyệt đẹp sẽ hiện lên trước mắt du khách với những phên bánh tráng được phơi đều thẳng tắp.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Phơi bánh tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu quy trình làm bánh tráng của người dân Thuận Hưng.

Cũng giống như một tác phẩm nghệ thuật cần rất nhiều sự sáng tạo, những "nghệ nhân làm bánh" phải điều chính lượng bột sao cho phù hợp, họ phải đong đếm bằng gáo. Mỗi gáo bột tương ứng với một chiếc bánh.

Sau khi được xay, bột gạo được đổ lên tấm mùng căng trên nồi. Tiếp đó là khâu tráng bánh vô cùng công khu.

Người dân trong làng cho biết bí quyết để tráng bánh ngon, mỏng và không bị nát là cần đảm bảo lửa nhỏ và tráng bánh đều nhanh tay. Bánh tráng được hấp bằng hơi nước khoảng 15 giây là chín.

Khâu lấy bánh cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và lấy bánh. Bánh sau khi tráng sẽ rất mỏng và ướt nên rất dễ bị rách. Do vậy, người lấy bánh cần khéo léo, nhẹ nhàng: một tay cầm bánh và một tay nâng bánh đặt vào phên.

Công đoạn phơi bánh rất cần sự ủng hộ của thời tiết. Thông thường, người trong làng sẽ xem thời tiết mưa nắng để phơi bánh kịp thời. Đồng thời, cần phơi bánh thế nào để không bị cong vênh, giữ được nguyên vẹn chiếc bánh.

Nếu phơi bánh đúng ngày trời nắng thì sau khoảng 30 phút, bánh sẽ khô, còn nếu phơi quá giờ, bánh sẽ dễ bị vỡ. Bánh đủ độ khô sẽ được lấy ra và sắp lại theo từng phần.

Việc được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia là cơ sở quan trọng để địa phương nghiên cứu, đề xuất, định hướng biện pháp bảo tồn và phát huy làng nghề, từ đó đưa thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng vươn xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục