Nghị viện châu Âu tăng quy định đối với lao động biệt phái

Nghị viện châu Âu ngày 16/4 đã thông qua các quy định mới nhằm chống lại việc lạm dụng lao động châu Âu biệt phái sang nước khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16/4 đã thông qua các quy định mới nhằm chống lại việc lạm dụng lao động châu Âu biệt phái sang nước khác.

Hồi đầu tháng 12/2013, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường việc kiểm soát lao động biệt phái tại các doanh nghiệp thầu phụ, đặc biệt tại các công ty con hay liên quan đến gian lận.

Đây là nguyên tắc bắt buộc trong lĩnh vực xây dựng, nơi thường sử dụng lao động chui.

Tuy nhiên, EP cũng đưa ra một vài thay đổi bên lề nhằm phân biệt giữa tình hình thực tại của việc cử lao động và ý định lẩn tránh pháp luật của doanh nghiệp.

Đặc biệt, EP đưa vào văn bản mới khái niệm về lao động tự do chui do một số cơ sở lợi dụng việc công nhân tự do không phải tuân theo quy định liên quan đến điều kiện lao động như các công nhân khác.

Theo ủy viên EU phụ trách về các vấn đề xã hội Laszlo Andor, việc áp dụng các quy định mới đối với lao động biệt phái là nhằm gửi đi một tín hiệu mạnh trước cuộc bầu cử châu Âu để nói rằng EU không hề khoan nhượng với việc gian lận và lạm dụng lao động biệt phái.

Căn cứ vào chỉ thị áp dụng năm 1996, một doanh nghiệp có thể biệt phái các công nhân của mình tới một nước châu Âu khác tối đa là hai năm, với điều kiện áp dụng một số quy định của nước đón tiếp như tiền lương, điều kiện làm việc và đóng góp an sinh xã hội tại nước xuất xứ.

Do các quy định này thường xuyên bị vi phạm nên EU phải cải thiện văn bản. Tuy nhiên, các quy định này sẽ còn tiếp tục được bàn bạc tại nhiệm kỳ EP tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục