Nghịch lý toàn cầu: Nạn đói và bệnh béo phì cùng gia tăng báo động

Số người nghèo trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và hiện có tới hơn 30% dân số bị đói, trong khi đó, số người béo phì ở các quốc gia cũng gia tăng một cách đáng báo động.
Nghịch lý toàn cầu: Nạn đói và bệnh béo phì cùng gia tăng báo động ảnh 1Khu trại tị nạn của người Somalia ở Howl Wadag, Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thực trạng đói nghèo trên thế giới đang diễn ra theo chiều hướng đáng báo động và cùng với đó, tình trạng béo phì cũng đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo.

Theo một nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, nguy cơ đối với người nghèo đang tiếp tục gia tăng trên quy mô toàn cầu và hiện có tới hơn 30% dân số thế giới bị đói, tức là cứ 3 người thì có 1 người bị đói.

Gần 160 triệu trẻ em có số đo chiều cao quá thấp so với tiêu chuẩn lứa tuổi và hơn 50 triệu trẻ em thiếu cân. Những trẻ em đói ăn không chỉ suy dinh dưỡng, mà còn gặp khó khăn nghiêm trọng về phát triển trí tuệ.

Hệ quả của thực trạng này cũng rất đáng báo động. Thứ nhất, nghèo đói sẽ tạo ra một thế hệ lực lượng lao động kém chất lượng, không có khả năng tạo ra của cải vật chất, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thứ hai, nghèo đói cũng sẽ tạo ra những bất ổn xã hội kéo theo bất ổn chính trị dẫn tới các cuộc khủng hoảng không chỉ gói gọn trong một nước mà trở thành những thảm họa nhân đạo liên lục địa.

Nạn đói đã trở thành nguyên nhân kích động luồng di cư tự nhiên. Hiện nay, những người tị nạn không chỉ chạy trốn chiến tranh, mà còn chạy trốn nguy cơ bị chết đói. Đây là tiếng còi báo động đầu tiên trước một thảm kịch lớn.

Nghịch lý toàn cầu: Nạn đói và bệnh béo phì cùng gia tăng báo động ảnh 2Bệnh béo phì đang gia tăng báo động tại Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, cùng với nạn đói ở một số khu vực trên thế giới thì tình trạng béo phì tại nhiều nước đang và phát triển khác cũng ngày càng gia tăng, cũng tạo ra không ít nguy cơ về gánh nặng cho xã hội và chất lượng nguồn nhân lực.

Điều đáng nói là các số liệu về năng suất và sản lượng cho thấy thế giới sản xuất đủ lương thực-thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của con người.

Vậy đâu là nguyên nhân của nghịch lý trên? Câu trả lời chính là do sự phân phối không đồng đều. Tuy nhiên, đây chỉ là lý do mang tính bề nổi, phần chìm lớn hơn là ở ý chí chính trị của các nước lớn.

Đằng sau câu chuyện về thiếu lương thực ẩn chứa ý đồ của các nước lớn muốn kiểm soát các nước nhỏ. Khi đó, câu chuyện này đã mang màu sắc chính trị và lương thực trở thành một thứ vũ khí.

Nếu không giải quyết được vấn đề "nạn đói nhân tạo" ở các nước Bắc Phi, Trung Phi và Đông Nam Á thì không một thứ vũ khí nào có thể ngăn những con người khốn khổ tìm đường đi cho mình. Khi đó sẽ trở thành vấn nạn chung của thế giới, đe dọa sự sống còn, sự ổn định và phát triển của nhân loại.

Sở dĩ như vậy vì thế giới là một chỉnh thể thống nhất, và mỗi quốc gia là một chủ thể trong chính thể thống nhất ấy. Toàn cầu hóa đã trở thành cầu nối liên kết các quốc gia lại với nhau, các quốc gia có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, sự ổn định và phát triển của một quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia khác.

Câu chuyện không mới, nhưng các nỗ lực dường như vẫn là chưa đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu cho mọi cư dân trên Trái Đất. Cộng đồng quốc tế cần chung tay và nỗ lực nhiều hơn nữa để không còn tồn tại những nghịch lý về nạn đói và sự béo phì./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục