Người ca sỹ hát khúc ân tình “Gần lắm Trường Sa”

Lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” nằm trong tiềm thức từng chiến sỹ, và tên tuổi Anh Đào lâu nay đã gắn chặt với với người lính đảo.
Giọng hát của ca sỹ Anh Đào vừa cất lên, từng cán bộ, chiến sỹ hải quân đã cảm thấy thấm với những cảm xúc vừa quen, vừa lạ.

Quen vì lời bài hát “Gần lắm Trường Sa” đã nằm trong tiềm thức từng chiến sỹ, và tên tuổi Anh Đào lâu nay đã gắn chặt với “Gần lắm Trường sa,” với người lính đảo.

Nhưng thật lạ, giọng của chị quá đỗi thân thiết, dường như không phải hát nữa, mà là tâm tình: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương, chỉ có loài chim biển, sóng vỗ trập trùng, bên nhành trúc san hô...”

Năm nay, Anh Đào tuổi đã ngoài 50 và chị đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng hơn 30 năm về trước. Chuyến đi thăm, phục vụ văn nghệ cho lính Trường Sa lần này nhân dịp 37 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975- 29/4/2012) cũng là hành trình thứ năm của chị ra nơi ấy.

Gặp trong buổi tối đầu tiên trên tàu HQ 936, chị nói như than thở cùng thuyền trưởng Ngô Đức Dũng: “Ngày trên tàu dài quá em ạ!” Chưa hiểu hết ý tứ của chị, hôm sau tôi hỏi, chị nói ngay: “Chị ra Trường Sa giống như được trở về nhà. Sắp gặp lại người thân, muốn thấy cảnh cũ giờ thay đổi thế nào rồi, không nóng lòng sao được.”

Bất cứ ai là người Việt Nam, hai tiếng Trường Sa đều thiêng liêng cả. Nhưng ở chị, Trường Sa luôn đan xen nhiều cảm xúc của người phụ nữ từng đem tiếng hát của mình ra nơi ấy rồi niềm yêu mến đó trở nên máu thịt. Tôi lý giải được điều đó khi lần lượt đến các đảo cùng chị trong chuyến đi.

Chị sẵn sàng hát ở mọi nơi, nhiều lúc trong chương trình biểu diễn được xếp sẵn, nhưng có khi theo yêu cầu của nhóm chiến sỹ nào đó gặp chị trên lối mòn, hoặc trong giây phút bịn rịn khi đoàn tàu chuẩn bị rời cảng.

Quê Anh Đào ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, còn Trường Sa cũng là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc Khánh Hòa. Mối liên hệ đó khiến cho chị nặng nợ với Trường Sa chăng? Hóa ra đó chỉ là nguyên cớ nhỏ.

Năm 1982, nhạc sỹ Huỳnh Phước Long cho ra đời bài hát “Gần lắm Trường Sa” bằng ý tưởng được nung nấu đã lâu, dù ông chưa từng được ra nơi đó. Cả nhạc sỹ và ca sỹ cùng quê Cam Ranh, lại khá hiểu nhau vì khi đó nhạc sỹ Phước Long là Trưởng phòng Văn hoá huyện, nên ông viết bài hát này, hợp với chất giọng và dường như dành riêng cho chị.

Chị là người hát đầu tiên bài hát ấy trong dịp Sở Văn hoá Khánh Hòa tổ chức chương trình giới thiệu các ca khúc mới. Nhiều người đã đánh giá ca từ bài hát thật hay, còn ca sỹ thể hiện cũng rất tuyệt vời.

Thời đó, mặc dù chỉ là đoàn nghệ thuật của tỉnh lẻ Khánh Hòa, nhưng Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng đã nổi tiếng lắm, quy tụ nhiều ca sỹ, ngôi sao tên tuổi, liên tục ra Bắc vào Nam biểu diễn. Tuy vậy, Đoàn cũng được phân công trách nhiệm cử nhóm công tác ra phục vụ văn nghệ ở Trường Sa khi có yêu cầu của tỉnh.

Anh Đào nhớ lại: “Từ khi ca khúc 'Gần lắm Trường Sa' trở thành 'bài ruột' của mình, chị bị thôi thúc và thường ao ước được một lần ra Trường Sa để có cảm nhận thực sự từ cuộc sống nơi đó, như những gì lời bài hát đã diễn đạt."

Rồi dịp ấy đã đến, tháng 4/1984, khi Đoàn nhận kế hoạch cử nhóm nhạc công và ca sỹ tháp tùng cùng đoàn công tác của tỉnh ra Trường Sa, chị đã đăng ký ngay. Ngày đó hành trang ra Trường Sa đơn giản lắm, tàu nhỏ nên mọi thứ đều gọn nhẹ. Nhóm ca sỹ, nhạc công chỉ mang theo chiếc đàn guitar, một chiếc micro, một chiếc loa sắt...

Nhưng Anh Đào thì chuẩn bị nhiều ca khúc như “Dáng đứng Bến Tre,” “Người ơi, người ở đừng về”... và không thể thiếu “Gần lắm Trường Sa.”

Khi lần lượt đến các đảo trong chuyến đi: Song Tử Tây, Cô Lin, Trường Sa Lớn, chương trình ca nhạc của đoàn Hải Đăng đã thực sự mang đến cho những người lính nhiều cảm xúc. Nhưng hơn hết đó là ca khúc “Gần lắm Trường Sa” được viết dành riêng cho họ. Và cô ca sỹ xứ trầm hương vút lên giai điệu “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...” đã khiến họ vỡ òa, như gần lắm với đất liền, được ở cạnh những người yêu thương.

Từng tràng vỗ tay dường như kéo dài mãi. Có nơi, chị phải hát đến hai, ba lần theo yêu cầu của chiến sỹ. Với chị, chuyến đi Trường Sa ấy là một đặc ân, nhiều kỷ niệm và thật hạnh phúc.

Có dịp ra quần đảo Trường Sa lần thứ hai, khi tháp tùng đoàn cán bộ của tỉnh đến Trường Sa để tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sỹ kiên cường bám đảo, tiếng hát của chị khiến nhiều người rơi lệ, bởi họ xúc động vô bờ khi nhận ra phía sau các chiến sỹ Trường Sa là triệu triệu trái tim của đất Mẹ, luôn dõi theo và là chỗ dựa vững chắc cho họ.

Chị đã nhận thức rõ hơn một điều: Trường Sa thiêng liêng hơn những gì chị từng biết. Quê hương Khánh Hòa nói riêng và đất nước nói chung có những hòn đảo can trường...

Bữa cơm chia tay ở thị trấn Trường Sa, Anh Đào lại dành cho quân và dân ở đảo này một bất ngờ, khi bất chợt giọng hát chị lại ngân vang, ngọt dịu trong cái nắng gắt sang hè: “...Đảo quê hương, trông cánh chim bay về đảo khơi, thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi...”

Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên- Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân có mặt trên tàu HQ 936, là phó Đoàn của chuyến đi này, nhận xét: “Ca sỹ Anh Đào rất nặng lòng với Trường Sa. Khi ra Trường Sa, Anh Đào mang tiếng hát và phục vụ hết mình cho cán bộ, chiến sĩ các đảo. Nhưng khi về đất liền Anh Đào lại nhớ Trường Sa, luôn trăn trở cho sự thay đổi, phát triển của Trường Sa. Chúng tôi cảm ơn Anh Đào.”

Đã qua thời thanh xuân của 27 năm về trước, với giọng hát mượt mà, khỏe khoắn trong lần đầu tiên đến với các đảo xa, nay đã có tuổi nhưng Anh Đào vẫn là ca sỹ hát “Gần lắm Trường Sa” hay nhất, truyền cảm nhất./.

Tiên Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục