Người dân đầu nguồn châu thổ Cửu Long mưu sinh mùa lũ

Giữa cánh đồng xã Phú Hội, nơi được xem là "ngư trường" nhộn nhịp nhất miền Tây vào nước nổi, thế nhưng năm nay chỉ lác đác vài chiếc thuyền nhỏ đang khai thác và đánh bắt thủy sản.
Người dân đầu nguồn châu thổ Cửu Long mưu sinh mùa lũ ảnh 1Đánh bắt cá trên cánh đồng ngập nước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi ngược dòng sông Hậu về xã Phú Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang), nơi những con nước đỏ ngầu phù sa từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng Mekong đổ về Việt Nam.

Bao năm qua, dòng nước lũ của sông Mekong đã “ban phát" nhiều đặc ân cho người dân vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long. Nhưng mấy năm gần đây, lũ về thấp và “dị thường,” tôm, cá và những sản vật của mùa lũ cũng ít dần theo con nước.

Tôm, cá ít dần theo con nước 

Theo chân ông Nguyễn Văn Ràng (Năm Ràng, sinh năm 1962), ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú đi dở dớn (ngự cụ đánh bắt cá linh làm bằng tre và lưới cước) giữa cánh đồng xã Phú Hội - tiếp giáp với đường biên giới Việt Nam-Campuchia mấy trăm mét, nơi được xem là "ngư trường" nhộn nhịp nhất miền Tây vào nước nổi, năm nay chỉ lác đác vài chiếc thuyền nhỏ đang khai thác và đánh bắt thủy sản.

Ông Năm Ràng cho biết mùa lũ năm nay về sớm, đầu tháng 6 Âm lịch, nước bắt đầu tràn đồng, nước về sớm, lên chậm và cao hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây (năm 2020 và 2021), nhưng vẫn thấp hơn nhiều sao với những năm về trước và cá, tôm... cũng ít dần.

Mới hơn 4 giờ sáng, giữa cánh đồng bốn bề là nước, cả không gian chỉ toàn là tiếng nổ từ động cơ chiếc vỏ lãi (thuyền làm bằng nhựa composite) của chú Năm Ràng và mấy chiếc vỏ lãi gần đó, xa xa vài ánh đèn pin của những người dân ngâm mình dưới nước để mưu sinh mùa lũ.

Trong cơn mưa ngày càng nặng hạt, như sợ chúng tôi ướt ba lô và máy ảnh, ông Năm Ràng cho võ lãi chạy len qua len qua hàng cây còng đã bị ngập đến nửa thân rồi ghé vào chiếc thuyền gỗ lớn của anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1971, ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hội) và cậu con trai mới 15 tuổi đang dỡ dớn gần đó để chúng tôi trú mưa và hỏi chuyện.

Vừa bắt mấy con cá linh, cá heo, cá trèn (toàn đặc sản mùa nước nổi) mới đổ trong dớn ra, cho vào mấy can nhựa loại 30 lít, anh Hải chia sẻ hằng ngày anh ra đồng từ 3-4 giờ sáng, ngâm mình dưới nước đến tận 10 giờ thì mới xong việc.

Đang trò chuyện thì ánh đèn pin trên đầu ông Năm Ràng chiếu qua, lúc này chúng tôi mới nhìn rõ gương mặt của anh Hải - một người đàn ông mới hơn 50 tuổi, gương mặt gầy gò, lấm lem bùn đất, hằn rõ những vất vả của cuộc sống mưu sinh khi gắn bó với "nghề hạ bạc" (nghề đánh bắt thủy sản).

Cuộc sống của anh Hải gắn bó với mùa nước nổi từ lúc còn thơ bé và giờ nó đã thành một thói quen với cảnh 6 tháng làm ruộng, 6 tháng mùa nước nổi làm nghề đánh bắt thủy sản.

"Những người dân quê đón lũ như thể đón “người bạn phương xa” trở về với rất nhiều sản vật, và chính con cá, bó rau ở cánh đồng lũ đã nuôi sống người dân hàng chục năm nay, giờ nó là một phần của cuộc sống của bà con, năm nào không có nước là buồn và nhớ lắm" - anh Hải tâm sự.

Theo anh Hải, vào mùa nước nổi, cá linh nhiều vô số kể, lấn át các loài cá khác. Chúng đi thành đàn nên ngư dân thường đặt dớn, lưới, đặt đáy, vó bắt cả bầy. Cá linh mặc nhiên là nguồn sống của ngư dân nghèo ở các huyện đầu nguồn sông Cửu Long. Nhờ nguồn lợi "trời cho" này mà mỗi mùa lũ ngư dân dư dả vài chục triệu đồng nhưng năm nay lại khác.

"Những hôm nước lên cao, cá đi nhiều thì cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, còn nếu nước thấp thì cá chỉ đủ cho gia đình ăn trong ngày, có khi còn thiếu," anh Hải bộc bạch.

Đìu hiu chợ cá đồng mùa lũ

Không biết từ bao giờ, cứ đến mùa nước nổi là “chợ” cá đồng Kênh Ruột (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) lại nhóm họp; đây được xem là “chợ cá đồng lớn nhất miền Tây.” Chợ xuất hiện vào đầu mùa nước và kết thúc khi con nước trên đồng rút.

Gần 5 giờ sáng, nhưng tiếng lao xao trao đổi, mua bán các mặt hàng đặc sản "rặt đồng" của miền Tây như cá linh, cua đồng, rắn, bông súng, cá sặc, cá rô, bông điên điển,… và ánh đèn pin rọi xuyên cắt màn đêm.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang) - một thương lái chuyên thu mua cá đồng tại chợ cá đồng Kênh Ruột, cho biết chợ cá đồng Kinh Ruột xuất hiện, tồn tại hơn 20 năm qua, chuyên thu mua cá, tôm và các đặc sản khác của mùa nước nổi do người dân đánh bắt được ở các cánh đồng thuộc huyện An Phú (An Giang) rồi đưa về bán lại cho các bạn hàng ở Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Chợ cá nhóm hợp từ 5 giờ sáng đến tầm 9 giờ là tan.

[Mưu sinh trong lũ muộn của dân nghèo đầu nguồn châu thổ Cửu Long]

Các bạn hàng đi chợ rất sớm để giành lựa cá vừa ý, nào là lóc đồng, cá rô cá chốt, lươn đồng... ; đặc sản mùa nước nổi có cá linh, cá thiểu, cá khoai… và hoạt động mua, bán diễn ra ngày trên cánh đồng lũ, ai nấy trả giá từng chút nhưng thuận mua vừa bán nên ít khi cãi vã mất lòng nhau.

Người dân đầu nguồn châu thổ Cửu Long mưu sinh mùa lũ ảnh 2Người dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, Long An thu hoạch cá trên sông. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Theo ông Nghĩa, các năm trước, hàng đêm có hàng trăm ghe, xuồng lớn, nhỏ tới mua, bán cá đồng thì nay chỉ còn khoảng 20 đầu xuồng, ghe.

Nhiều người đã tạm gác lại cái “nghề hạ bạc”, rồi “ly hương” lên Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,… làm công nhân ở các khu công nghiệp. Những người còn “nặng nợ” với mùa nước nổi như ông Năm Ràng, anh Hải, ông Nghĩa luôn trông ngóng về những phiên họp chợ đặc biệt. Khi trời gần sáng cũng là lúc họ cân cá vừa xong, mắt mũi cay xè vì thiếu ngủ. Họ rời chợ Kênh Ruột, khuất dần trên cánh đồng lũ...

Chuyển nghề mưu sinh

Xã Phú Hội, huyện biên giới An Phú (An Giang), có 2.648 hộ dân, trong đó có khoảng 30-40% làm nghề đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi, khoảng 35% hộ dân có nhân khẩu đi lao động xa quê. Riêng ấp Phú Thuận có 170/657 hộ dân bỏ nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh…

Anh Nguyễn Văn Hậu (ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) trước đây đi làm thuê ở Đồng Nai nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quyết định quay về quê nhà làm lại "nghề hạ bạc."

Với 7 bầu lú (ngư cụ đánh bắt cá gồm tấm lưới cước dài, bao bọc một vùng mặt nước trên đồng để dẫn dụ cá đi theo dòng nước chảy và hướng lưới dăng) mỗi ngày anh Mía kiếm được từ 400.000-500.000 đồng.

Anh Hậu cho biết mùa nước năm nay về sớm hơn nên anh và nhiều người khác phấn khởi, tuy nhiên về lâu dài thì khó bám nghề vì nước về thất thường và sản lượng cá, tôm đánh bắt cũng không nhiều.

Ông Đoàn Phú Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Hội, cho biết năm nay nước lũ cao hơn năm 2021 và 2020 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và lượng cá, tôm, cua, ốc cùng các loại sản vật mùa nước nổi cũng dần khan hiếm. Cuộc sống của người dân sống bám vào con nước đã trở nên bấp bênh nên đa số họ chuyển nghề hoặc đi lao động xa quê.

Mặc dù, hằng năm, Đảng ủy - Ủy ban Nhân dân xã cũng phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú hỗ trợ những hộ khó khăn vay vốn để mua sắm phương tiện, ngư cụ đánh bắt thủy sản nhưng số hộ dân gắn bó với nghề ngày càng ít và không mấy mặn mà.

Theo ông Trương Chí Thông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, so với 2 năm trước thì năm nay nước lũ về sớm, khoảng đầu tháng 6 nước đã tràn đồng. Tuy nhiên so với ngày xưa lũ vẫn thấp, thủy sản cũng giảm rất nhiều.

Trước thực tế trên, những năm gần đây huyện An Phú đã có nhiều mô hình thích ứng với mùa nước nổi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định đời sống cho người dân, như mô hình trồng rau màu ngắn ngày, nuôi cua đồng, nuôi lươn không bùn, trồng lúa nổi kết hợp với khai thác thủy sản dựa trên cộng đồng… Qua đó, từng bước thay đổi thói quen sống dựa vào thiên nhiên và chuyển sang sản xuất, phục hồi thiên nhiên nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục