Cùng với người dân cả nước, những ngày này, người dân xứ Huế xúc động, bày tỏ lòng tiếc thương, tưởng nhớ đến vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đến Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế vào giờ chào cờ thứ Hai đầu tuần, cũng là lúc nhà trường tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi thầy hiệu trưởng thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần tại Hà Nội lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10, cả sân trường lặng phắc, gần 1.500 học sinh và giáo viên lặng lẽ cúi đầu, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng. Nhiều em không cầm được nước mắt, nấc lên nghẹn ngào khi được nghe về tiểu sử, sự cống hiến của Đại tướng cho độc lập dân tộc. Với nhiều bạn trẻ, dù chưa được một lần gặp mặt, nhưng sự ra đi của Đại tướng đã để lại sự mất mát lớn lao. Em Hoàng Dạ Thi - Phó Bí thư đoàn trường ngậm ngùi: "Em rất bàng hoàng, thương tiếc trước sự ra đi của Đại tướng. Đất nước đã mất đi một người con vĩ đại. Tự hào khi Đại tướng là một học sinh của trường Quốc học Huế, vì vậy, trách nhiệm của chúng em hôm nay là cố gắng học tập, rèn luyện tốt để tiếp bước truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước." Em Trương Ngọc Hải, học sinh lớp 12 chuyên Văn xúc động: "Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời bình, mặc dù không được gặp mặt vị tướng tài ba, nhưng được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về ông, em rất cảm phục những cống hiến của Đại tướng và càng tự hào hơn khi em học ở ngôi trường mà Đại tướng từng học." Trong khoảng thời gian từ năm 1925-1927, Đại tướng Võ Nguyên Giáp học ở Trường Quốc học Huế với cái tên Võ Giáp. Thời kỳ này, ông tham gia biểu tình chống sưu thuế và bị bắt vào lao Thừa Phủ Huế, sau đó thoát ly hoạt động cách mạng... Sau ngày giải phóng, Đại tướng đã 2 lần về thăm trường cũ vào năm 1976 và 1986.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương họp bàn công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang. (Ảnh: TTXVN)
Thầy Nguyễn Đình Thí - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế, đã hai lần được gặp và trò chuyện với Đại tướng, nhớ lại: "Năm 2006, chuẩn bị kỷ niệm 110 năm thành lập trường, chúng tôi đã có dịp được ngồi trò chuyện với Đại tướng ở nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ở tuổi 95, nhưng Đại tướng vẫn dí dỏm kể lại câu chuyện ngày xưa mình là học sinh cũ của trường Quốc học Huế, sau đó là chặng đường giác ngộ và hoạt động cách mạng của mình. Vậy mà, giờ Đại tướng đã ra đi." Thầy Thí bùi ngùi: "Đại tướng là một vị tướng tài ba nhưng giản dị, thân thương và quan tâm đến mọi người. Khi nghe tin Đại tướng ra đi, anh em cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường ai cũng thương tiếc, mất mát, hụt hẫng như mất đi người thân." Tự hào về ngôi trường Đại tướng từng học, thầy Thí cho biết, hiện nay, tại phòng truyền thống của trường, tổ chức trưng bày các hiện vật, tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để cung cấp kiến thức, giáo dục cho học sinh. Thứ Bảy tới, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức ra viếng Đại tướng ở Quảng Bình. Vẫn biết sinh, tử là lẽ thường tình, nhưng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, ai cũng cảm thấy mất mát, đau thương. Ông Nguyễn Cửu Châu, ngoài 90 tuổi, một cựu chiến binh ở 111 Nhật Lệ, thành phố Huế, không cầm nổi nước mắt khi biết Đại tướng Võ Nguyễn Giáp qua đời. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, từng là cán bộ tham mưu của Bộ Tổng tham mưu-Cục Quân lực, Đại đội trưởng Đại đội 54, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ nên ông có nhiều dịp tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể cho chúng tôi nghe những ngày được ở cạnh Đại tướng khi tham gia chiến đấu ở chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ nhưng hào hùng, bằng những câu thơ: "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!." Hình ảnh vị tổng tư lệnh xuất sắc, đôn hậu, gần gũi, dìu dắt chiến sỹ vượt qua gian khổ, khó khăn để giành lại độc lập như ngày hôm nay, đã khắc sâu trong tâm trí ông. Bàn tay run run cầm chiếc kính lúp soi từng dòng chữ trên các tập báo, ông Châu khóc nghẹn: "Đại tướng là người anh cả, người thầy, người lãnh đạo tài ba dìu dắt quân đội chiến thắng hai đế quốc giành độc lập cho dân tộc. Đại tướng rất gần gũi, chan hòa, đối xử như anh em với cán bộ, chiến sỹ. Nay Đại tướng mất, chúng tôi phải để tang.” Cũng như nhiều người có cảm giác hụt hẫng, mất mát, cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Đức Thuận bày tỏ: "Khi nhận được tin bác Giáp mất, tôi đã không ngủ được. Mấy hôm nay, anh em cựu chiến binh ở Thừa Thiên-Huế liên tục thông tin cho nhau để chuẩn bị ra Quảng Bình dự lễ tang." Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba của đất nước đã ra đi, nhưng hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân còn mãi trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè khắp năm châu./.
Tường Vi (TTXVN)