Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc, ùn ùn đổ về bến xe để về quê nghỉ Tết

Chiều 7/2, rất đông người dân đã đổ xô ra các bến xe tại Hà Nội để đón xe khách về quê trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc bắt xe khách về quê nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc bắt xe khách về quê nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Kết thúc ngày làm việc cuối cùng để chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chiều nay (ngày 7/2, tức ngày 28 tháng Chạp), người dân lỉnh kỉnh đồ đạc, ùn ùn đổ về bến xe tại Hà Nội để đón xe khách về quê nghỉ Tết.

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ngay từ 14 giờ chiều, tại Bến xe Mỹ Đình, rất đông người dân đã tập trung tại khu vực bán vé của các nhà xe đi các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Ninh…

Hai vợ chồng tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc, cùng 2 con nhỏ, chị Phạm Thị Thanh Ngọc (Lào Cai) cho biết năm nay kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày nên gia đình đã đặt vé trên mạng từ cách đây 1 tuần với tâm lý lo ngại hết chỗ ngồi đẹp và sợ bị nhồi nhét.

“Khi kết thúc ca làm việc buổi sáng, gia đình vội vã tranh thủ về quê sớm để tránh tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm," chị Ngọc cho hay.

Tại khu vực nhà chờ của Bến xe Mỹ Đình, có rất đông hành khách ngồi trên ghế để chờ đến giờ ra xe. Ngay bên cạnh, balo quần áo hay valy kéo và những túi bánh, hộp kẹo được xếp gọn gàng ngăn nắp để đem về làm quà dịp nghỉ Tết.

Phía khu vực cửa phương tiện ra, từng dòng xe khách nối đuôi nhau rời bến. Trên xe đều đông hành khách và ai cũng mong muốn hành trình về quê nhanh nhất, không gặp cảnh ùn tắc trên đường.

khu vuc cho.jpg
Hành khách ngồi chờ xe xuất bến tại Bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, lực lượng chức năng bao gồm Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông đã túc trực, phân luồng, hướng dẫn và điều tiết phương tiện đi lại nên tình hình khá thông thoáng, xe di chuyển chậm nhưng không ùn tắc cục bộ.

Tại Bến xe Giáp Bát, xe khách đi về các huyện của tỉnh, thành khá đông người dân đi lại. Trong khi xe chưa xuất bến, nhiều người lo sợ không có chỗ nên đến từ sớm để mong muốn tìm được chỗ ngồi thuận tiện.

Công ty cho nhân viên nghỉ buổi chiều để về quê đón Tết, sau bữa cơm trưa, anh Trần Nam Khánh (Nam Trực, tỉnh Nam Định) nhanh chân ra bến xe để “hồi hương”. Lúc đến khu vực chờ, có đông hành khách đi về cùng huyện đã đứng, ngồi trước khu vực điểm đỗ để chờ xe lên bến chở khách.

“Nay là ngày cuối làm việc nên đa phần là người lao động về quê, do đó lượng người đông hơn so với ngày thường rất nhiều bởi ai cũng mong muốn được trở về bên gia đình sớm. Khi xe xuất bến, các ghế đã kín chỗ. Nhà xe còn nhồi thêm ghế phụ dọc lối đi để ‘lèn’ thêm khách dọc đường. Giá vé là 120.000 đồng, cao hơn so với ngày thường 20.000 đồng,” anh Khánh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng khách đổ về bến khoảng 12.000-15.000 người/ngày, tăng 300% so với ngày thường.

“Các đơn vị vận tải tại Bến xe Giáp Bát đã chủ động đăng ký tăng thêm 250 lượt xe/ngày (tăng 25% so với ngày thường), nâng tổng lượng xe lên 950 lượt/ngày vào ngày nghỉ lễ. Như thường lệ, các tuyến xe phục vụ người dân tại Bến xe Giáp Bát đi các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình sẽ đông khách nhất," ông Tùng cho hay.

xe khach 2.jpg
Các tuyến xe về địa bàn huyện ở tỉnh, thành luôn đông hành khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Tùng, Bến xe Giáp Bát cũng đã họp và yêu cầu các đơn vị vận tải của bến thực hiện cam kết trước khi xuất bến, đảm bảo không nhồi nhét khách không thu giá vé sai quy định và thực hiện đúng luồng tuyến, lộ trình theo đúng cách chấp thuận.

Tại Bến xe Nước Ngầm, nhân viên bến xe kiểm tra vé cho hành khách trước khi lên xe để đảm bảo đúng giá vé theo quy định.

Ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết trong dịp Tết Nguyên đán bến xe tăng cường 100 phương tiện đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá... để phục vụ nhu cầu của người dân.

“Bến xe Nước Ngầm đảm bảo phục vụ hành khách tốt nhất, không để hành khách phải chờ đợi quá lâu, trường hợp xe khách tuyến đó về chậm sẽ bố trí ngay xe tăng cường để giải tỏa. Tuy nhiên, lượng khách đi lại trong bến vẫn đảm bảo công suất," ông Lam khẳng định.

Càng về chiều lượng hành khách đổ về các bến mỗi lúc một đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục