Người lao động sẽ được, mất gì khi rút bảo hiểm xã hội một lần?

Dự báo năm 2023 số người rút bảo hiểm xã hội có thể sẽ tăng. Tuy vậy, người lao động cần cân nhắc kỹ về các quyền lợi của mình khi tiếp tục tham gia hoặc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động sẽ được, mất gì khi rút bảo hiểm xã hội một lần? ảnh 1(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; lương hưu hằng tháng, chế độ tử tuất và đặc biệt là số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội… là những thiệt thòi của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần.

Hơn 80.000 người rút bảo hiểm trong tháng Ba

Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trước đây bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên số liệu thống kê năm 2022 cho thấy đã có hơn 895.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần và dự báo năm 2023 còn có thể tiếp tục sẽ tăng.

Trong tháng 3/2023, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 80.000 người, tiếp tục tăng so với tháng 2/2023 (hơn 74.000 người). Trong bối cảnh việc làm còn khó khăn, số lượng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.

Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm người đã mang võng, chiếu, nằm chờ xuyên đêm để xếp hàng làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần đã xảy ra tại một số cơ sở vùng ven thành phố. Tình trạng này xảy ra vào đầu tháng 4/2023 cho thấy sự quá tải trong việc giải quyết số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quý 1 năm nay số người nhận trợ cấp một lần toàn thành phố gần 26.000 người, tăng hơn 6% so với quý 4 năm trước do khó khăn về kinh tế. Số người nhận bảo hiểm một lần tăng đột biến và quá tải ở quận 12, Bình Tân, Hóc Môn, đây là những địa phương nhiều khu công nghiệp, nhà máy, đông công nhân.

Theo khảo sát về người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...) đang khiến những lao động trẻ có xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần khi gặp khó khăn.

Trong bối cảnh việc làm, thị trường lao động đang phục hồi nhưng còn chậm, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn).

Người lao động cần cân nhắc thiệt hơn

Mất việc sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn khiến đã một số người lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người lao động cũng vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có được một khoản tiền để chi tiêu.

Người lao động sẽ được, mất gì khi rút bảo hiểm xã hội một lần? ảnh 2Tư vấn cho người lao động về các chế độ bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Theo ghi nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong thực tế có rất nhiều người lao động sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần và dùng hết số tiền này đã bày tỏ sự tiếc nuối khi đối diện với hoàn cảnh về già không có lương hưu, phải bươn chải kiếm sống và phụ thuộc vào con cháu.

Như trường hợp của chị Bùi Thị Hạt (tỉnh Nam Định) muốn đóng lại số tiền bảo hiểm xã hội đã rút nhưng không được và đành tìm việc làm mới để lại tham gia bảo hiểm xã hội từ đầu. Trước đây, chị Hạt từng làm việc cho một công ty may trong miền Nam trong thời gian 9 năm 7 tháng nhưng năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát nên chị Hạt phải nghỉ việc, về quê làm công việc tự do.

Đến giữa năm 2022, chị Hạt làm thủ tục xin rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn trước mắt. Giờ đây, khi thấy bố mẹ già vẫn phải bươn chải nhiều nghề, không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh, chị Hạt mới cảm thấy hối tiếc và muốn trở lại tham gia bảo hiểm xã hội để về già có lương hưu.

Theo Phó Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Đầu tiên, người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.

“Người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng,” ông Chu Mạnh Sinh cho hay.

Người lao động cũng mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần) khi không may người lao động qua đời.

Đặc biệt, số tiền người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.

Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.

Theo ông Chu Mạnh Sinh, khi không rút bảo hiểm xã hội một lần, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là "của để dành" quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục