Nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang mới ở vùng Vịnh

Đợt rút quân mới của Mỹ khỏi Saudi Arabia liên quan việc Mỹ rút hai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đang gây ra nguy cơ bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông.
Nguy cơ châm ngòi chạy đua vũ trang mới ở vùng Vịnh ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. (Nguồn: militarytimes)

Theo Asiatimes.com, đợt rút quân mới của Mỹ khỏi Saudi Arabia đang gây ra nguy cơ bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông.

Động thái này diễn ra vào đúng thời điểm khu vực này đang phải chống chọi trước sức tàn phá khủng khiếp lên hệ thống y tế công cũng như thiệt hại kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra.

Hoạt động rút quân này liên quan việc Mỹ rút hai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot từng được trang bị cho Saudi Arabia hồi năm 2019 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho vương quốc này sau khi các cơ sở dầu mỏ của họ hứng chịu các cuộc tấn công được cho là do Iran tiến hành.

Tuần trước, giới chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đã nhận định rằng mối đe dọa từ nước Cộng hòa Hồi giáo đã giảm. Bất chấp cuộc điện đàm dường như mang tính trấn an giữa Quốc vương Salman với Tổng thống Donald Trump, nhưng Saudi Arabia nhiều khả năng sẽ coi động thái này là bằng chứng rõ ràng hơn nữa cho thấy họ không thể dựa sự bảo vệ của Mỹ.

Đáng chú ý, hoạt động rút quân này diễn ra ngay sau khi Iran phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này. Bước tiến đó rõ ràng không chỉ đưa Iran vào nhóm khoảng 12 quốc gia có khả năng phóng vệ tinh lên quỹ đạo, mà còn báo hiệu năng lực của quốc gia này cho dù đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và khủng hoảng y tế công do COVID-19 gây ra.

Tướng Ali Jafarabadi, Tư lệnh của sư đoàn không gian vũ trị thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), nói rằng vệ tinh này sẽ đóng vai trò "cung cấp hỗ trợ chiến lược cho IRGC trong các sứ mệnh nhận dạng, liên lạc và điều hướng."

Trong khi đó, phe "diều hâu" với Iran tại Mỹ và Israel lo ngại rằng vệ tinh này sẽ tăng cường năng lực tên lửa đạn đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo - một trụ cột trong chiến lược phòng thủ của Iran, cũng như tăng cường khả năng của Hezbollah - lực lượng phiến quân theo dòng Hồi giáo Shi’ite thân Iran ở Lebanon - trong việc chuyển đổi kho tên lửa và vũ khí có GPS dẫn đường thành vũ khí thông minh.

Saudi Arabia theo đuổi chương trình hạt nhân

Nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang đã hiển hiện ngay từ khi Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hồi năm 2018 đưa ra cảnh báo rằng "chắc chắn, nếu Iran phát triển một quả bom hạt nhân, thì chúng tôi cũng phải theo đuổi chương trình này càng sớm càng tốt.”

Cảnh báo này được đưa ra khi chính quyền Trump đang chuẩn bị rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), còn được biết đến là Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kể từ thời điểm đó, Iran hiện được cho là đã giảm được một nửa thời gian cần thiết để sản xuất đủ nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân.

[Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang trong kỷ nguyên COVID-19]

Trong khi đó, theo một báo cáo mà Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ công bố hồi tuần trước, các cuộc thảo luận về viện trợ của Mỹ dành cho một chương trình hạt nhân dân sự của Saudi Arabia đã bị đình trệ, do Saudi Arabia do dự chấp thuận những hạn chế làm giàu và tái chế nhiên liệu hạt nhân.

Báo cáo cũng cho thấy Riyadh đã từ chối ký một nghị định thư bổ sung với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), điều sẽ cho phép IAEA có thêm thông tin về các hoạt động hạt nhân của nước này và có quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của họ.

Quốc hữu hóa quốc phòng

Sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước là một trụ cột trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed. Kế hoạch đó, vốn được thiết lập để cơ cấu hóa và đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia, lại đang vấp phải nghi ngại do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong tuần này, Saudi Arabia đã tăng gấp ba lần thuế tiêu thụ từ 5% lên 15% và ngừng trợ cấp sinh hoạt cho nhân viên chính phủ để đối phó với khủng hoảng tài chính.

Ông Anthony Cordesman, chuyên gia phân tích quân sự vùng Vịnh tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hôm 13/5 cảnh báo rằng kế hoạch xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng nói trên của Saudi Arabia không phải cách tốt nhất để đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc này.

Trong một bài viết, ông nhận định gần như không có cách nào lãng phí tiền hơn việc cố tạo ra một cơ sở công nghệ hiệu quả hoặc tài trợ lắp ráp vũ khí trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.”

Ông Cordesman cũng lập luận rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Saudi Arabia sẽ khó có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm tương ứng với nguồn đầu tư cần thiết cho lĩnh vực này.

Hơn nữa, Saudi Arabia sẽ khó có thể cạnh tranh trong việc bán những vũ khí mà họ chế tạo được trên thị trường quốc tế.

Vụ phóng vệ tinh của Tehran là một nền tảng mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang mà Iran, và ở cấp độ thấp hơn là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), lại có vị thế tốt hơn so với Saudi Arabia trong cuộc đua này cho dù xét đến ngành công nghiệp quốc phòng hiện tại và cơ sở công nghiệp đa dạng hơn của Riyadh.

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái cũng là những “trợ thủ” chủ lực khác của Iran trong cuộc đua vũ trang này.

Với sự giúp đỡ của Trung Quốc

Những hình ảnh vệ tinh hồi năm 2019 cho thấy Saudi Arabia sở hữu một cơ sở nằm sâu trong sa mạc, được thiết kế để thử nghiệm và nhiều khả năng là chế tạo tên lửa đạn đạo.

Những vũ khí này có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân nhắm tới các mục tiêu cách xa hàng nghìn km tính từ điểm phóng. Cơ sở này được cho là nhằm đối phó chương trình tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn của Iran.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng được cho là sẽ bắt đầu sản xuất máy bay không người lái phục vụ mục đích quân sự vào năm 2021. Theo đó, những thiết bị bay này tương xứng với các thiết bị bay không người lái mang bom (UAV) có tầm hoạt động 1.500 km của Iran.

Năm 2017, Trung Quốc đã đồng ý xây dựng ở Saudi Arabia một cơ sở sản xuất UAV. Nếu được triển khai, đây sẽ là cơ sở chế tạo thiết bị quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Bắc Kinh.

Ông Alessandro Arduino, nhà nghiên cứu chiến tranh bằng UAV tại Viện nghiên cứu Trung Đông ở Singapore, đánh giá: "Trung Đông đã trở thành một chiến trường của những cuộc chiến thiết bị bay không người lái."

Theo chuyên gia này, việc triển khai các UAV đã mở ra một kỷ nguyên mới về năng lực răn đe thời kỳ hậu dịch bệnh và tạo ra một sự đối lập với học thuyết quân sự về chiến tranh thông thường trước đây.

Từ Yemen đến Libya và Syria, các bên tham chiến đều đi ngược lại lời kêu gọi đình chiến khi vai trò của các UAV ngày càng được khuyến khích.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang chiến tranh bằng máy bay không người lái cũng phụ thuộc vào chi phí. Hiện nền kinh tế của Saudi Arabia và Iran đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc suy thoái toàn cầu trên diện rộng, sự sụp đổ giá dầu, cuộc khủng hoảng y tế và trong trường hợp Iran là cả lệnh trừng phạt của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục