Nguy cơ phương Tây 'đổ thêm dầu vào lửa' trong cuộc xung đột Ukraine

NATO đang cố gắng gấp rút khôi phục năng lực chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine, qua đó kìm hãm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Nguy cơ phương Tây 'đổ thêm dầu vào lửa' trong cuộc xung đột Ukraine ảnh 1Xe quân sự di chuyển trên tuyến đường dẫn tới cửa khẩu biên giới Ba Lan-Belarus ở Kuznica, miền đông bắc Ba Lan. (Ảnh: PAP/ TTXVN)

Theo AP/Sputnik, gần như mỗi ngày lại có các chuyến tàu và đoàn xe chở vũ khí của phương Tây đi qua biên giới Ba Lan-Ukraine.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cố gắng gấp rút khôi phục năng lực chiến đấu của Lực lượng vũ trang Ukraine, qua đó kìm hãm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Tuy nhiên, đây là việc không hề đơn giản - qua một tháng chiến sự, các lực lượng Ukraine đã hứng chịu những thiệt hại lớn về trang thiết bị kỹ thuật hạng nặng mà không có gì thay thế nổi.

Khôi phục hệ thống phòng không

Quả thực, phương Tây không tiếc tiền cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Những ngày tới, Mỹ dự kiến cung cấp gói viện trợ quân sự lớn trị giá 800 triệu USD, trong đó gồm vũ khí cá nhân, hệ thống chống tăng và tổ hợp phòng không cơ động, radar, đạn dược, các phương tiện và thiết bị bảo vệ nhân sự.

Ngoài những trang bị gửi đến trước đó, giờ đây, Washington đang mở rộng thành phần viện trợ.

Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho hay lần đầu tiên, Kiev sẽ tiếp nhận các thiết bị hạng nặng. Các tổ hợp phòng không do Liên Xô chế tạo đã được đưa vào biên chế vũ trang của các nước thuộc Khối Hiệp ước Vacsava và rất quen thuộc đối với giới chuyên gia Ukraine.

[Tổng thống Zelensky: Nga và Ukraine đã gần đạt được các thỏa thuận]

Qua nhiều thập kỷ, Mỹ đã có một “bộ sưu tập” không tồi gồm hàng chục hệ thống tên lửa-phòng không: từ “Osa,” được đưa vào phục vụ năm 1971, cho đến “Tor-M2,” “Buk,” S-300V hiện đại hơn.

Thậm chí, nếu tất cả những vũ khí này đều nằm phủ bụi trong các nhà kho của Mỹ và không hoạt động, thì chỉ cần qua khâu bảo dưỡng thành thạo, các hệ thống đó hoàn toàn đủ sức chiến đấu.

Hơn thế nữa, Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao cho Kiev những hệ thống phòng không S-400 mới do Nga sản xuất. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ được hứa hẹn về hệ thống của Mỹ và thậm chí được tiếp nhận máy bay tiêm kích F-35 thế hệ thứ năm.

Tuy nhiên, Ankara đã từ chối, giải thích rằng không muốn làm ai phật ý, không định phá hỏng quan hệ với cả Moskva và Kiev.

Liên minh châu Âu (EU) cũng ráo riết dự trù trang bị vũ khí cho chế độ Kiev. EU đã phân bổ 1 tỷ euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu dành cho việc này.

Đức dự kiến xuất 2.000 súng phóng lựu Panzerfaust từ kho dự trữ của mình. Trong khi đó, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, G7 và NATO, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo sẽ điều động 6.000 hệ thống tên lửa chống tăng NLAW và Javelin.

Trước đó, theo xác nhận của báo chí địa phương, dù quân đội Anh đang trong tình trạng thiếu hụt nhưng London đã gửi khoảng 4.000 tổ hợp như vậy cho Kiev.

Phá hủy ngay trên đường

Hiển nhiên, Nga đã có phản ứng. Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Washington, chỉ ra rằng Kiev tiếp nhận các phương tiện sát thương theo thủ tục đơn giản hóa và đó là nguy cơ “phổ biến vũ khí tên lửa chuyển giao cho Ukraine trên khắp địa bàn EU và các khu vực lân cận.”

Ví dụ, các nhóm khủng bố cùng tên lửa Stinger sẽ trở thành vấn đề lớn đe doạ hàng không dân dụng.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng bất kỳ lô hàng quân sự nào đến Ukraine đều bị coi là mục tiêu hợp pháp. Không cần nghi ngờ gì về việc quân đội Nga có khả năng tấn công miền Tây Ukraine.

Chẳng hạn, trong tháng 3 này, tên lửa hành trình có độ chính xác cao đã “bao trùm” thao trường Yavorov ở vùng Lvov, chỉ cách biên giới với Ba Lan 25km.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov lưu ý: "Đòn tấn công vào thao trường Yavorov cho thấy rõ rằng chúng ta nói rất nghiêm túc. Và sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề hỗ trợ vũ khí hoặc lính đánh thuê cho Ukraine. Khi trinh sát của chúng ta phát hiện các kho chứa hoặc dòng xe tải ngụy trang, các chủ thể đó sẽ lập tức bị phá hủy. Và các nước phương Tây cần hiểu chính xác điều này."

Tổn thất khổng lồ

Tuy nhiên, với chế độ Kiev, việc cung cấp vũ khí như vậy vẫn quá ít. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev cần hỗ trợ quân sự không hạn chế. Sau đó, ông yêu cầu “phương Tây” chia sẻ cho Ukraine 1% xe tăng và máy bay mà họ đang có.

Tuy nhiên, ước nguyện của ông Zelensky khó lòng trở thành hiện thực. Lính tăng và phi công Ukraine không biết cách sử dụng thiết bị của phương Tây. NATO cũng sẽ không dám liều lĩnh cử các tổ lái của mình tới Ukraine, vì đó sẽ là cuộc đụng độ trực tiếp giữa khối này với Nga và nhiều binh sỹ phương Tây chắc chắn sẽ thiệt mạng.

Qua một tháng chiến sự, Ukraine đã mất lượng lớn thiết bị quân sự trong các đơn vị chiến đấu mà không gì thay thế được.

Tính đến ngày 24/2, Lực lượng vũ trang Ukraine có khoảng 2.400 xe tăng, 1.770 khẩu pháo và hệ thống pháo phản lực (bao gồm cả vũ khí quý hiếm như pháo tự hành tầm xa 2S-7 “Pion” 203mm, được mệnh danh là “đại bác nguyên tử”), 320 tổ hợp tên lửa-phòng không, khoảng 215 máy bay và trực thăng.

Theo dữ liệu từ báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, Moskva đã phá hủy 1.713 xe bọc thép, 170 giàn tên lửa phóng loạt, 715 pháo và súng phóng lựu.

Ngoài ra, Nga đã vô hiệu hóa 189 hệ thống phòng không, phần lớn số còn lại đều không đủ sức chiến đấu và chẳng thể đe dọa hàng không Nga dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, 1.557 xe quân sự của công lực Ukraine và “các tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa” cũng đã bị xoá sổ.

Lực lượng Không quân Ukraine thực tế đã chấm dứt sự tồn tại. 184 máy bay và trực thăng đã bị tiêu diệt, hư hại nặng đến mức không thể sửa chữa tại các sân bay, hoặc bị bắn hạ.

Ngoài ra, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ và Phòng không của quân đội Nga đã bắn rơi 308 UAV của đối phương trên không, kể cả máy bay Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hóa học

Theo hãng tin AP, hôm 24/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phương Tây đã cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và viện trợ nhân đạo để đáp trả cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, song chưa cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự như mong muốn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Biden cũng thông báo Mỹ sẽ tiếp nhận tới 100.000 người tị nạn Ukraine, cung cấp thêm 1 tỷ USD thực phẩm, thuốc men, nước và các nhu yếu phẩm khác.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chuẩn bị các bước tiếp theo để chống lại cuộc xâm lược hiện đã kéo dài hơn một tháng của Nga, đồng thời thảo luận về phương thức đáp trả nếu Putin triển khai vũ khí hóa học, sinh học hoặc thậm chí là vũ khí hạt nhân. Các nước phương Tây đã có cuộc gặp bên lề ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp liên tiếp của NATO, G7 và EU.

Khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học, thậm chí là vũ khí hạt nhân, đang là chủ đề tranh luận gay gắt ở Brussels. Ngày 24/3, ông Stoltenberg cho biết các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý gửi thiết bị đến Ukraine để bảo vệ nước này trước một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết cả Mỹ và NATO đều đang lên kế hoạch dự phòng nếu Nga triển khai các loại vũ khí thông thường. NATO có các lực lượng được huấn luyện và trang bị đặc biệt phòng trường hợp có một cuộc tấn công nhằm vào dân thường, lãnh thổ hoặc lực lượng của các nước thành viên. Tuy nhiên, Ukraine không phải là một thành viên của NATO.

Cuộc xâm lược của Nga đã thúc đẩy các nước châu Âu xem xét lại chi tiêu quân sự, và ông Stoltenberg đã mở đầu hội nghị thượng đỉnh NATO bằng tuyên bố rằng liên minh này cần “phản ứng với một thực tế an ninh mới ở châu Âuav.”

Hiện NATO đang thành lập 4 nhóm chiến đấu mới - thường có quân số từ 1.000-1.500 binh sỹ, ở Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục