Ở tuổi 39, Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã được thế giới biết đến là “người hùng môi trường” với 16 năm tận hiến cho công việc bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng, đặc biệt là tê tê.
Với nhiều đóng góp cho sự phục hồi của thiên nhiên, ngày 16/6 vừa qua, Thái đã vinh dự trở thành 1 trong 6 công dân trên toàn thế giới (công dân duy nhất của Việt Nam và châu Á) được nhận giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường, được mệnh danh là “Nobel Xanh” -giải thưởng là sự công nhận mang tầm quốc tế cho những cống hiến của các cá nhân nổi bật trên toàn thế giới.
Như vậy, trong lịch sử hơn 30 năm của giải thưởng, tính đến nay, Việt Nam mới có hai người duy nhất được trao giải “Nobel xanh.” Trước đó, vào năm 2018, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cũng đã vinh dự được trao tặng giải thưởng này.
Có một tình yêu mãnh liệt mang tên "tê tê"
Sinh ra và lớn lên ở xã Văn Phương, huyện Nho Quan - cách Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng vài kilômét, từ nhỏ, Thái đã quen với cảnh đi chăn bò ở ven khu rừng kỳ thú này. Và cũng chính từ đây, Thái đã bén duyên với tê tê khi ngày ngày chứng kiến nhiều cá thể tê tê bị săn bắt, thấy sự suy giảm của loài thú có lớp vẩy như chiếc áo giáp cùng nhiều loài động vật khác.
Đau xót trước thực cảnh đó, Thái đã mơ ước được trở thành một cán bộ kiểm lâm để góp sức vào việc giữ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã mà mình yêu mến.
Quyết tâm theo đuổi ước mơ, năm 2001, Thái đăng ký thi vào trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên ngành Kỹ sư quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Sau 4 năm học tập, đến khi làm đề tài luận văn, Thái đã chọn Trung tâm cứu hộ Linh trưởng ở ngay trong khuôn viên Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) là nơi thực tập.
Như cơ duyên trời định. Ngay sau khi tốt nghiệp, tình cờ cũng là lúc Vườn Quốc gia Cúc Phương đang tuyển dụng cán bộ điều phối Chương trình bảo tồn tê tê châu Á - đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai các hoạt động bảo tồn tê tê. Cánh cửa nghề nghiệp mở ra, Thái lập tức nộp hồ sơ và nhanh chóng được tuyển dụng, gắn bó với công việc bảo tồn tê tê từ năm 2005 đến bây giờ.
Trong câu chuyện kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thái đã bày tỏ một tình yêu đặc biệt đối với loài tê tê khi cho rằng tê tê là loài thú khác hoàn toàn với các động vật hoang dã khác. Đó là loài thú duy nhất trên thế giới được bao phủ bở lớp vẩy sừng như chiếc áo giáp, nhìn như những con khổng long con nhưng tê tê lại rất hiền lành và nhút nhát. Chúng không cắn do không có răng và cũng không gây hại tới môi trường sống của con người.
Vậy mà!… Nhấp ngụm trà chát đắng như để nén lại cảm xúc, Thái thở dài bảo trái ngược với sự đáng yêu của tê tê, con người lại là sự đe dọa với loài thú bé nhỏ này. Nhiều người đã coi tê tê là món ăn, ảo tưởng xem vẩy tê tê như là thần dược, là thuốc chữa bệnh nên biến chúng thành loài thú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới.
[Bất chấp đại dịch, buôn bán động vật hoang dã vẫn không thuyên giảm]
Theo Thái, việc buôn bán và sử dụng tê tê có khuynh hướng gia tăng trong 10 năm qua. Nguyên nhân chính là bởi sự phát triển kinh tế nhanh ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, tạo ra một tầng lớp nhà giàu, giới trung lưu sẵn sáng bằng mọi cách để có những món ăn độc và lạ.
"Càng hiếm, người ta càng quý và càng săn lùng để có. Điều này dẫn đến nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có cả tê tê đã phải đứng bên bờ tuyệt chủng," Thái buồn rầu chia sẻ.
Riêng với ảo tưởng của nhiều người khi cho rằng vẩy tê tê là thuốc chữa bệnh, Thái cho biết cá nhân anh và các cộng sự ở SVW đã trực tiếp khảo sát 9.000 người dân và người bán trong các hiệu thuốc đông y thì 23% người được phỏng vấn tin vẩy tê tê có giá trị chữa bệnh.
"Dù mỗi người có niềm tin khác nhau nhưng tựu chung đều không hề có căn cứ khoa học chứng minh giá trị đích thực của nó. Trong khi với 'giá trị đồn thổi' đó, chúng ta có thể sử dụng các loại thảo dược và thuốc tây y thay thế, vừa rẻ và hiệu quả hơn," Thái nhấn mạnh.
Vì thế, với vài trò là người làm bảo tồn, chứng kiến cảnh buôn bán hoang thú, thấy nguy cơ tuyệt chủng của tê tê, Thái cam kết sẽ tận hiến cuộc đời của mình cho sự sống của loài thú đặc biệt này.
"Tôi sẽ làm tất cả để bảo vệ động vật hoang dã và mang tê tê quay trở lại tự nhiên cũng như được trở về 'ngôi nhà chung" của mình - đó là những cánh rừng trên đất nước Việt Nam,” Thái chia sẻ.
Ngôi nhà thứ hai của động vật hoang dã
Tự nhận mình là người đặt nền móng cho công tác cứu hộ tê tê từ thực trạng buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam, Thái cho biết anh và các cộng sự tại SVW đã xây dựng chiến lược và triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động cứu hộ trực tiếp với các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã khác - từ việc tập trung cứu hộ tê tê, làm việc với các loài thú ăn thịt và mở rộng ra cứu hộ đa dạng các loài động vật hoang dã trên phạm vi cả nước.
Đúng như lời khẳng định trên, trong 16 năm qua, dưới sự lãnh đạo của “người hùng” Nguyễn Văn Thái, SVW đã trực tiếp cứu hộ 1.888 cá thể động vật hoang dã với 40 loài khác nhau; trong đó cứu hộ thành công nhiều tê tê nhất thế giới với 1.540 cá thể, xây dựng 74 chuồng động vật mới với diện tích 1.100m2, hai bệnh viện thú y 245m2 và một khu bán hoang dã rộng 1.665m2. Nhờ đó, khoảng 60% cá thể đã được tái thả thành công.
Không chỉ trực tiếp tham gia giải cứu động vật hoang dã, góp phần phục hồi quần thể tê tê Java ở Việt Nam, Thái và các cộng sự tại SVW còn tiên phong trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch sinh sản bảo tồn loài cầy vằn và tê tê vàng - loài thú từ lâu đã không còn nhìn thấy ở Việt Nam.
Theo Thái, nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của tê tê vàng ở Việt Nam một phần là do bị khai thác để phục vụ nhu cầu bán vẩy tê tê sang Trung quốc từ những năm đầu thập kỷ 90. Hơn thế, tê tê vàng sống chủ yêu trên mặt đất và hang chúng tự đào nên rất dễ bị săn bắt khi chỉ cần tìm các hang chúng ngủ hoặc dùng chó săn.
“Trong 16 năm nay, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm bằng đủ các phương pháp. Thậm chí là đưa chó nghiệp vụ đã được huấn luyện đánh hơi động vật hoang dã chuyên sâu từ Mỹ về Việt Nam để tìm tê tê nhưng hiện vẫn chưa phát hiện cũng như chụp được bức ảnh nào về tê tê vàng ngoài tự nhiên ở nước ta. Tôi chỉ nghe đâu đó từ thợ săn là có tê tê vàng nhưng cũng chỉ vài cá thể trong từng đó năm. Vì thế, chúng rất có thể đã bị truyệt chủng ngoài tự nhiên ở nước ta,” Thái trăn trở.
Trước thực tế trên, Thái cho rằng giải pháp bảo tồn tê tê vàng duy nhất hiện nay là tiến hành sinh sản bảo tồn, bảo vệ môi trường sống và tái thả chúng về tự nhiên sau này. Với quyết tâm đó, vừa qua, SVW đã kết hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương là nơi duy nhất đang thực hiện chương trình bảo tồn loài tê tê vàng và hiện có 9 cá thể trong nuôi nhốt để sinh sản.
“Tôi tin sẽ có một ngày, chúng tôi sẽ mang tê tê vàng trở lại môi trường tự nhiên cho Việt Nam. Tôi nói ra điều này là bởi đã có những cá thể tê tê con được sinh ra, công tác bảo tồn cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Vì thế, 9 cá thể tê tê vàng đang gây nuôi ở nước ta có thể coi là nguồn gen thực sự quý báu, mở ra hi vọng cho sự trở lại của tê tê vàng ngoài tự nhiên,” Thái chia sẻ.
Những ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực không mệt mỏi
Với nhiều đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn, nhất là công tác phục hồi quần thể tê tê ở Việt Nam, Nguyễn Văn Thái đã được trao tặng giải thưởng lớn nhất về môi trường mang tên Goldman Environmental Prize năm 2021 trị giá lên tới 4,6 tỷ đồng.
Đây là giải thưởng không chỉ có sự cạnh tranh gắt gao mà còn là sự công nhận mang tầm quốc tế cho những công dân có nhiều cống hiến quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, do nhà hoạt động bác ái người Mỹ Richard N.Goldman và phu nhân của mình sáng lập từ năm 1990.
Trước đó, năm 2016, Thái đã vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng quốc tế “Future For Nature” tổ chức tại Hà Lan. Đây là giải thưởng quốc tế dành riêng cho những cá nhân trẻ dưới 35 tuổi đã có những đóng góp xuất sắc cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Người nhận giải thưởng này ngoài nhận được kỷ niệm chương, còn được nhận 50.000 Euro, tương đương khoảng 1,35 tỷ đồng nhằm tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo tồn.
Cả hai giải thưởng trị giá gần 6 tỷ đồng trên, Thái đã đem tặng toàn bộ cho công cuộc làm hồi sinh các loài động vật hoang dã quý, hiếm trên cả nước, đặc biệt là tê tê.
Chia sẻ cảm xúc với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus khi được nhận giải thưởng “Nobel Xanh” trên, Thái bảo rằng anh đã rất ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi thông báo song cũng rất đỗi vui mừng vì mình đã làm được những việc có ích để bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung.
“Tôi không nghĩ đây là giải thưởng dành riêng cho cá nhân mình, mà đó là giải thưởng giành cho 64 con người đang làm việc tại SVW và cũng là giải thưởng cho tất cả những người đang làm công tác bảo tồn ở nước ta. Công nhận này cũng giúp nâng cao vị thế và uy tín của những người làm công tác bảo tồn tại Việt Nam và trên toàn thế giới,” Thái nở nụ cười chia sẻ.
[Bảo tồn 'kho báu' đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của toàn xã hội]
"Người hùng" giải cứu loài thú mang áo giáp tê tê cũng hy vọng giải thưởng này sẽ là động lực, truyền cảm hứng cho không chỉ riêng cá nhân anh mà còn cho nhiều người Việt Nam khác cùng có nhiều hành động hơn nữa để góp phần bảo vệ “ngôi nhà chung” đa dạng sinh học. Và trên hết, Thái mong muốn ai cũng có thể trở thành "người hùng" bảo vệ động vật hoang dã bằng sự hiểu biết và trách nhiệm với sự sống của các loài động vật trên trái đất này.
“Cũng bởi thế, tôi quyết định đem hiến toàn bộ tiền thưởng cho SVW để tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam; đặc biệt là sự phục hồi của loài tê tê vàng cũng như mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân cùng tham gia đóng góp quỹ để bảo vệ sự bình an cho những khu rừng của đất nước chúng ta,” Thái nói./.