Bảo tồn 'kho báu' đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Để không đứng ngoài công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học, mỗi người có thể góp sức bằng việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã...
Trong 10 năm qua, nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn đã góp phần bảo vệ hiệu quả ngôi nhà chung đa dạng sinh học. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Trong 10 năm qua, nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn đã góp phần bảo vệ hiệu quả ngôi nhà chung đa dạng sinh học. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, song việc bảo tồn trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải "hành động," do tình trạng phá rừng, đặc biệt là vấn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Vì thế, để bảo tồn hiệu quả "kho báu" đa dạng sinh học rất cần sự chung tay của mỗi người dân và toàn xã hội.

Những con số biết nói 

Giới thiệu tổng quan về “bức tranh” đa dạng sinh học ở nước ta, đại diện Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, đặc biệt là đa dạng về loài.

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học (2019), Việt Nam có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: 7.500 chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện, nối dài danh lục các loài hiện có ở Việt Nam.

Trong số các loài đã được ghi nhận, nhiều loài có giá trị bảo tồn cao như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn, voi châu á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng; rùa biển và rùa cạn, nước ngọt...

Về tính đặc hữu, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Đơn cử, trong số 21 loài khỉ có trong vùng, Việt Nam có tới 15 loài; trong số 49 loài chim đặc hữu trong vùng, Việt Nam có tới 33 loài (trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam).

Để bảo tồn “kho báu” đa dạng sinh học trên, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học nhằm bảo tồn và phục hồi giá trị đa dạng sinh học quý giá. Đối với các hoạt động bảo tồn loài, bên cạnh vai trò của các cơ quan chính phủ, nhiều nỗ lực đến từ khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phát triển và cộng đồng.

[Tôn vinh những ‘người hùng’ bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020]

Về mặt pháp lý và chính sách, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh.

Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư-kinh doanh (Luật Đầu tư 2014), thì Luật đa dạng sinh học năm 2008 là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Một loạt các chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi luật đã tạo nên một khung pháp lý khá hoàn chỉnh trong quản lý các loài hoang dã. Đặc biệt, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 đã tăng mức hình phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng và 15 năm tù đối với tội danh liên quan đến loài hoang dã cho thấy sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm và bảo vệ loài hoang dã của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chỉ thị kịp thời của Thủ tướng Chính phủ như Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật và mới đây là Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng, cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với hoạt động bảo tồn loài hoang dã.

Vững bước tới tương lai

Với những thành tựu trên, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định công tác bảo tồn loài hoang dã cũng như bảo tồn đa dạng sinh học thực sự đã có các chuyển biến tích cực, từng bước đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội với sự tham gia của toàn cộng đồng.

Bảo tồn 'kho báu' đa dạng sinh học: Cần sự chung tay của toàn xã hội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thực tế trên càng có ý nghĩa hơn khi chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2021 chính là “Chúng ta là một phần của giải pháp" -  đây cũng như một lời khẳng định “con người cũng là một yếu tố của giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, thậm chí là yếu tố chìa khóa, quyết định sự thành công của công cuộc này.”

Chính vì lẽ đó, năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình “Vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020” nhằm tôn vinh, ghi nhận các thành tích của các cá nhân tổ chức, góp phần nâng cao niềm tự hào dân tộc về đa dạng sinh học Việt Nam.

Mặc dù vậy, đại diện Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng đặc biệt lưu ý bên cạnh các thành tựu, Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức, cần giải quyết.

Theo báo cáo đánh giá kết quả chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một số vấn đề như du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng tội phạm về động vật hoang dã ngày càng phức tạp cũng như sự chia cắt, thu hẹp sinh cảnh và khai thác trái phép tài nguyên rừng, biển là nguyên nhân khiến đa dạng sinh học bị đe doạ.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và các chính sách, pháp luật cũng còn có sự chồng chéo, bất cập - đây là những hạn chế cần cải thiện.

Chính vì thế, để có thể bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, mỗi người dân cần phải tiếp tục kiên định với các mục tiêu bảo tồn tại chỗ, kết hợp với các giải pháp bảo tồn chuyển chỗ các loài nguy cấp; tăng cường thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách bảo tồn; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác bảo tồn loài nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng để không đứng ngoài công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học, mỗi người có thể góp sức bằng những hành động đơn giản như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp; không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại; đặc biệt là gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên…

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về bảo tồn đa dạng sinh học, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục chủ trì, đồng hành cùng với các cơ quan các nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng để kiến tạo các giải pháp bền vững cho đa dạng sinh học nước nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục