Nhà giáo Lê Bích Châu: Ba lần gặp Bác Hồ và những kỷ niệm khó quên

Niềm hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ đã trở thành mạch nguồn thúc đẩy bà học tập, rèn luyện và luôn là một người Hà Nội tử tế, trung thực, biết điều hay, lẽ phải.
Nhà giáo Lê Bích Châu: Ba lần gặp Bác Hồ và những kỷ niệm khó quên ảnh 1Bức ảnh chụp thiếu nhi đến chúc Tết Bác Hồ ngày 1/1/1956. (Ảnh: NVCC)

Một sáng mùa Thu, tôi đến thăm bà Lê Bích Châu, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông trung học Ba Đình (Hà Nội) đúng lúc bà đang cẩn thận treo cờ Tổ quốc để chào mừng Ngày Quốc khánh.

Bà Châu là một trong những thiếu nhi vinh dự được đến thăm và chụp ảnh cùng Bác Hồ nhân ngày Tết Dương lịch năm 1956. Bức ảnh hiện được phóng lớn và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Vẫn nguyên nụ cười tươi với lúm đồng tiền duyên dáng như cô bé trong bức ảnh ngày nào, bà Châu vui vẻ đón tôi và kể lại những kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ khi đó.

Ba lần được gặp Bác Hồ

Năm 1956, bà Châu đang là Liên đội trưởng Trường Tây Sơn. Ngày Tết Dương lịch năm ấy, có khoảng 20 học sinh Trường Tây Sơn và Trường Trưng Vương được vinh dự vào Phủ Chủ tịch chúc Tết Bác Hồ.

Năm ấy, bà Châu mới học lớp 5. Còn gì vui sướng, vinh dự, tự hào hơn khi cô bé được Thành đoàn Hà Nội chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi Thủ đô đến chúc sức khỏe Bác Hồ.

Chỉ đợi chừng hai phút là Bác đã bước ra tiếp đón cả đoàn. Người vận bộ quần áo ka ki màu vàng, đi đôi dép cao su. Được Bác Hồ hỏi thăm cặn kẽ: “Cháu học lớp mấy, bố mẹ làm nghề gì, nhà ở đâu…” Bích Châu và các bạn ríu rít kể chuyện.

Dù câu chuyện của học trò có khi còn lộn xộn nhưng Bác luôn ân cần lắng nghe. Sau đó, đoàn thiếu niên múa hát và được Người thưởng kẹo.

Hơn một giờ đồng hồ của buổi gặp Bác hôm ấy sao mà trôi nhanh đến thế. Tiễn các cháu thiếu niên ra về, Bác còn chúc các cô cậu học trò học giỏi, chăm chỉ thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.

Nhà giáo Lê Bích Châu: Ba lần gặp Bác Hồ và những kỷ niệm khó quên ảnh 2Bà Lê Bích Châu bên bức ảnh trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, tôi cứ ngỡ ông tiên đang bước đến bên mình. Trông Bác thật hiền từ, nhân hậu. Sau lần đó, tôi còn được đến thăm Bác thêm 2 lần nữa. Lần nào đón chúng tôi, Bác cũng phát kẹo làm quà. Những viên kẹo ấy luôn được tôi nâng niu, để dành làm kỷ niệm chứ không dám ăn,” bà Châu nhớ lại

Niềm hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ đã trở thành mạch nguồn thúc đẩy bà học tập, rèn luyện và luôn là một người Hà Nội tử tế, trung thực, biết điều hay, lẽ phải.

“Lúc đó còn nhỏ, tôi chỉ thấy vui sướng, hạnh phúc. Sau này, càng lớn, tôi càng thấm thía và xúc động vì được tiếp xúc với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ở Người dường như có một nguồn năng lượng mát lành, truyền cảm hứng cho bất kỳ ai được tiếp xúc gần với Người,” bà Châu nói.

Nhà giáo Lê Bích Châu: Ba lần gặp Bác Hồ và những kỷ niệm khó quên ảnh 3Bà đã trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bức ảnh chụp các cháu thiếu nhi chúc Tết Bác Hồ ngày 1/1/1956 do chính nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định bấm máy. Một cán bộ Thông tấn xã Việt Nam in ra và tặng cho bà Châu. Tấm hình ấy luôn được bà giữ bên mình, kể cả những năm phải sơ tán vì chiến tranh. Bởi lẽ, bức hình đặc biệt ấy luôn gắn liền với kỷ niệm đẹp như giấc mơ của lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ.

Mới đây, bà đã trao tặng kỷ vật ấy cho Bảo tàng Hà Nội.

Phấn đấu để trở thành người Hà Nội tử tế

Trong mạch nguồn cảm xúc từ những ngày xưa cũ, bà Lê Bích Châu hào hứng kể cho tôi nghe một kỷ niệm về không khí Ngày Quốc khánh khi bà còn ở tuổi học sinh.

Đó là những năm 1959-1962, bà Châu là nữ sinh Trường Chu Văn An và năm nào cũng có vinh dự tham gia diễu hành ở Quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9.

Bà còn nhớ rằng thời đó đời sống còn nhiều khó khăn nhưng năm nào thành phố cũng tổ chức duyệt binh, diễu hành biểu dương lực lượng. Bà cùng các bạn tập trung ở Quảng trường Ba Đình từ 3 giờ sáng, được phát một chiếc bánh mì không mà ai nấy đều hào hứng, không cảm thấy đói.

“Chúng tôi được phát một bộ váy xanh, áo trắng để đi diễu hành. Đó là bộ quần áo đẹp nhất mà tôi từng thấy. Được khoác lên người, tôi thấy vui sướng làm sao. Mặc dù đã biết trước rằng diễu hành xong sẽ phải trả lại nhưng lúc đó, tôi vẫn thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ,” bà kể.

Những năm ấy, nhà bà Châu ở ngõ Tức Mạc (Hoàn Kiếm). Những người hàng xóm ở Mỹ Đức, nơi gia đình bà tản cư thời chống Pháp, thường đến nhà bà từ ngày 1/9 để chờ được xem diễu hành trong ngày hôm sau.

“Hàng chục người nằm chen nhau dưới đất, chuyện trò rôm rả cả đêm để rồi sớm tinh mơ hôm sau rủ nhau ra Quảng trường Ba Đình dự lễ mít tinh Ngày Quốc khánh,” bà Châu nhớ lại.

Nhà giáo Lê Bích Châu: Ba lần gặp Bác Hồ và những kỷ niệm khó quên ảnh 4Bà Lê Bích Châu tham gia công tác thiện nguyện. (Ảnh: NVCC)

Sau này, bà Châu thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, bà về dạy môn Lịch sử tại Trường Yên Hòa. Năm 1970, khi Trường Ba Đình thành lập, bà chuyển về đây dạy học rồi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Năm 1986, bà chuyển lên Sở Giáo dục Hà Nội làm công tác quản lý và trở thành Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.

[Bà Nguyễn Thị Nga: Động lực thi đua ái quốc qua hai lần gặp Bác Hồ]

Ở cương vị của mình, bà Châu luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của ngành Giáo dục như: Phong trào “Cô giáo như mẹ hiền,” “Giáo viên dạy giỏi”, “Cô giáo tài năng duyên dáng”…

Thời bao cấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Năm 1986, bà cùng đoàn công tác của Sở Giáo dục Hà Nội đi thăm một số trường học ở ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu công tác dạy và học. Đến Sơn Tây, đoàn công tác lặng người khi thấy những lớp học ở cạnh chuồng trâu, cô trò úp cái thúng xuống làm thành bàn viết.

Lại có lớp học ở huyện Ba Vì được dựng lên ngay cạnh nghĩa trang. Cô giáo đang dạy học thì có một đám ma kèn trống inh ỏi. Học trò xôn xao chạy ra để xem. Cô giáo thì rơm rớm nước mắt vì sợ bị phê bình.

“Thấy cảnh ấy, tôi thương quá. Trẻ nhỏ có biết gì đâu, nghe thấy kèn trống thì đua nhau chạy ra xem thôi. Vậy là ngay khi về Hà Nội, tôi đề xuất cấp kinh phí để mua ngay một bộ loa và sắm vài băng nhạc thiếu nhi gửi về đó để cô trò cùng nghe,” bà Châu kể.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Châu thấy mình may mắn vì có điều kiện trưởng thành và học tập trong những ngôi trường tốt, lại có cơ hội gặp Bác Hồ, được tiếp cận rất gần với tư tưởng và phong cách đạo đức của Người.

Khi về hưu, bà vẫn năng nổ với công tác thiện nguyện, trong đó có hoạt động “Con đường vàng” - tổ chức những bữa cháo từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ban đầu, bà chỉ định tổ chức trong khuôn khổ gia đình, song khi các học trò biết được đã cùng san sẻ, đồng hành. Từ quỹ “Con đường vàng,” bà giáo già còn xây nhà tặng cho một gia đình ở Điện Biên và huy động phong trào đỡ đầu các học sinh nghèo.

“Tôi cũng chỉ là một cá nhân bình thường trong xã hội nhưng tôi tự hào vì mình là người tử tế, luôn có trách nhiệm với những nhiệm vụ được giao phó. Đó cũng chính là điều mà tôi luôn nói với học trò của mình,” bà Châu chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục