Nhạc sỹ tuổi Rồng Nguyễn Quang Long: 30 năm nhặt 'vàng rơi' của âm nhạc dân gian

Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long đã có 30 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc. Anh là người có nhiều đóng góp đặc biệt trong việc "hồi sinh" nghệ thuật xẩm.

Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long đã có 30 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long đã có 30 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khi mai đào đã tràn ngập phố phường, mọi người đều đang tất bật hoàn thiện những việc còn dở dang để sửa soạn đón Tết thì nhạc sỹ Nguyễn Quang Long phấn khởi “khoe” với tôi rằng anh và nhóm Xẩm Hà Thành vừa hoàn thiện một sản phẩm âm nhạc mang tên “Xẩm Tết Việt.”

Nhạc sỹ tuổi Bính Thìn (1976) đang ấp ủ nhiều kế hoạch bởi năm nay không chỉ là “năm tuổi” của anh mà còn là dấu mốc 30 năm Nguyễn Quang Long theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp.

'Nhà khảo cổ' của nghệ thuật xẩm

Nguyễn Quang Long là cái tên không xa lạ với khán giả yêu âm nhạc truyền thống nói chung và yêu hát xẩm nói riêng. Anh từng được truyền thông báo chí gọi là “nhà khảo cổ” xẩm, người “hồi sinh” xẩm nhờ những nỗ lực bảo tồn, phục dựng các bài bản xẩm cổ.

Nguyễn Quang Long sinh ra ở làng Thương Giang, một trong 49 làng quan họ cổ ở Bắc Ninh. Cha anh là nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Tưởng, một giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình cách mạng.

nguyenquanglong3.jpg
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long (thứ hai từ phải sang) cùng các nghệ sỹ nhóm Xẩm Hà Thành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày bé, anh đã rất thích nghe hát và tự học hát qua đài phát thanh. Biết vậy, ông Nguyễn Ngọc Tưởng đã dạy hát và đàn cho con trai. Đến khi 7-8 tuổi, Nguyễn Quang Long theo học tại Nhà văn hóa tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Ở đó, thầy giáo, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tĩnh đã khuyên anh nên đi theo âm nhạc chuyên nghiệp.

Hết lớp 12, Nguyễn Quang Long ra Hà Nội và thi vào khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, sau này, anh thấy mình không hợp trở thành ca sỹ, vậy là anh chuyển sang học lý luận, phê bình âm nhạc.

Năm 2005, khi nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đang công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc (Dihavina), anh vô tình gặp nhạc sỹ Thao Giang, được nghe ông chia sẻ về tâm huyết khôi phục xẩm, anh mới hiểu xẩm thực sự là "vàng rơi" của âm nhạc dân gian.

Ngay trong năm 2005, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thành lập, gồm nhạc sỹ Thao Giang, Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Khang, Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch, nhạc sỹ Hạnh Nhân, Nghệ sỹ Ưu tú Văn Ty, Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan và những gương mặt trẻ như Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường... Họ bắt đầu nghiên cứu tất cả các nguồn tài liệu, đi điền dã khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang... để gặp những nghệ nhân hát xẩm còn sót lại.

nguyenquanglong.jpg
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long từng đi điền dã nhiều nơi, gặp nhiều nghệ nhân xẩm trong đó có bà Hà Thị Cầu. (Ảnh: NVCC)

"Những bài xẩm nổi tiếng như ‘Mục hạ vô nhân,’ ‘Cô hàng nước,’ ‘Lỡ bước sang ngang,’ ‘Giăng sáng vườn chè,’ ‘Quyết chí tu thân’... theo thời gian chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc trong trí nhớ của những nghệ nhân ở tuổi xế chiều. Do vậy, công việc của chúng tôi không khác gì những nhà khảo cổ. Sau khi tìm kiếm được những mảnh vỡ, chúng tôi ráp nối lại thành những bài xẩm hoàn chỉnh," nhạc sỹ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Không chỉ những giọng ca nữ như Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa học hát để giữ xẩm, mà chính nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng lao vào học hát, bởi anh cho rằng muốn bảo tồn xẩm thì nhất định phải có người hát xẩm.

Nối dài sự sống cho xẩm ngày nay

Nhờ có chuyên môn lý luận, sáng tác và cái “gốc” thanh nhạc nên Nguyễn Quang Long không chỉ hát xẩm thành công mà còn sáng tác được nhiều bài xẩm mới, phù hợp với đời sống đương đại như “Tiễu trừ cướp biển,” “Bốn mùa hoa Hà Nội”

nguyenquanglong2.jpg
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cùng nhóm nghệ sỹ thực hiện MV "Mong ngày tương phùng." (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Anh khai thác thêm làn điệu khác như đồng dao, đẩy nhanh tiết tấu để bài hát mang màu sắc hiện đại, thu hút người nghe hơn. Năm 2019, anh chính thức ra mắt album “Trách ông nguyệt lão” gồm 9 bài xẩm trữ tình do anh sáng tác toàn bộ.

Nguyễn Quang Long cũng là người đứng sau bản hit “Xẩm Hà Nội” (Hà Myo-Thế Phương VBK), “Tiêu diệt Corona” (nhóm Xẩm Hà thành)… với giai điệu xẩm truyền thống kết hợp cùng rap, EDM sôi động.

Cùng nhóm Xẩm Hà Thành, anh đã đưa xẩm đến với đông đảo công chúng qua các buổi biểu diễn ở phố đi bộ, không gian di tích, sân khấu nhà hát và cả “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài ra, các nghệ sỹ cũng đã phát hành các sản phẩm xẩm trên nền tảng nhạc số, mạng xã hội.

"Trong giai đoạn hiện nay, xẩm cũng phải thay đổi để thu hút người nghe. Nghệ thuật truyền thống cần có sự tiếp nối, chứ nếu chỉ bảo tồn tức là tự ngắt mạch sống di sản. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đảm bảo gieo cây gì phải mọc lên cây đó chứ không thể là cây khác," nhạc sỹ Nguyễn Quang Long nói.

nguyenquanglong1.jpg
Nam nhạc sỹ từng có các công trình nghiên cứu về xẩm, đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Gắn mình với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho hay anh không “làm kinh tế” nhờ âm nhạc và bản thân cũng không giỏi kiếm tiền. Tôi tin điều ấy vì quen biết anh đã 15 năm, đến giờ anh vẫn giản dị, chân chất như những ngày đầu gõ phách, chơi đàn ở Đình Hào Nam cùng các thầy Thao Giang, Xuân Hoạch, Văn Ty.

Anh mới “tậu” được một chiếc ô tô loại “xoàng” để tiện về quê và đi điền dã, còn di chuyển trong Hà Nội, nam nhạc sỹ vẫn đi chiếc xe máy cũ.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình được sống với đam mê. Âm nhạc không khiến tôi giàu có nhưng tôi có một ngôi nhà để ở, có một chiếc xe để đi lại, vậy là may mắn, đủ đầy rồi,” Quang Long cười.

Hạnh phúc của anh là tìm được một bài bản cổ, gặp gỡ được các nghệ nhân – những “báu vật nhân văn sống” và nghe được những câu chuyện lý thú từ họ.

“Có đi thực địa nhiều tôi mới biết ý nghĩa nhưng câu hát đồng dao, những ca từ trong xẩm, hoặc có lần đi Tây Nguyên, tôi mới biết đồng bào Êđê nhánh Bih có dàn cồng chiêng do phụ nữ đánh, trước đó tôi cứ nghĩ cồng chiêng là nhạc cụ dành cho nam giới. Người Êđê Bih cư trú gần sông Krông Ana nên âm nhạc của họ có phần trữ tình hơn các nhánh cư trú trên núi cao. Khám phá ra điều đó thật thú vị vô cùng,” Quang Long kể.

Năm mới sắp gõ cửa mọi nhà, Quang Long đã đi chọn mua một cành đào phai rồi lên đường về quê ăn Tết. Những ngày đầu năm mới, anh sẽ đi lễ một vài địa điểm đền, chùa ở Hà Nội.

Như bao người Việt, nhạc sỹ cũng háo hức chờ đón Tết, ăn Tết và chơi Tết. Tết với Nguyễn Quang Long luôn là sum vầy gia đình, dành trọn thời gian cho người thân, đúng như ca từ bài “Xẩm Tết Việt” anh vừa sáng tác: “Đã thế rồi từ thuở hồng hoang/ Người Việt Nam vui Tết đàng hoàng nhất tâm/ Bánh chưng, bánh tét, hương trầm/ Dâng lên tiên tổ trên mâm cỗ đầy…”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục