Nhật Bản hy vọng Iran góp phần đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato khẳng định nước này muốn tăng cường và thắt chặt mối quan hệ song phương với Iran, quốc gia vốn đã có mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.
Nhật Bản hy vọng Iran góp phần đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông ảnh 1Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/6, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố nước này hy vọng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi, Iran sẽ giúp ổn định tình hình tại khu vực Trung Đông.

Trả lời họp báo, ông Kato nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng dưới sự lãnh đạo của ông Raisi, Iran sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông và đảm bảo tình hình ổn định."

Viện dẫn khoảng 90% lượng dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu là đến từ Trung Đông, ông Kato nhấn mạnh nền hòa bình và ổn định ở Trung Đông có ý nghĩa "hết sức quan trọng" với Nhật Bản.

Quan chức này đồng thời khẳng định Tokyo muốn tăng cường và thắt chặt mối quan hệ song phương với Tehran, quốc gia vốn đã có mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản.

[Iran: Kỳ vọng thay đổi đến từ Tân Tổng thống Ebrahim Raisi]

Nhật Bản luôn coi Iran là một đối tác lâu năm và tin cậy đối với nhu cầu năng lượng đất nước “Mặt Trời mọc.” Từ năm 1973, đã có tới 70% lượng dầu thô Nhật Bản nhập khẩu là từ Iran và năm 2004, nước này đã đổ rất nhiều vốn vào mỏ dầu khổng lồ Azadegan.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày 18/6 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Raisi đã trở thành người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani với 61,95% số phiếu ủng hộ, bỏ xa ứng cử viên giành số phiếu cao thứ hai là ông Mohsen Rezaei - nhận được 11,8% số phiếu bầu.

Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 của Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran đứng trước một loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn, như vực dậy nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó đưa Iran tham gia trở lại nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục