Bầu cử tổng thống Iran: Bước chuyển biến trong nội bộ và cả khu vực?

Iran và các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã nhất trí rằng bước đột phá ngoại giao chỉ có thể chờ đợi cho đến khi Iran kiện toàn chính phủ mới.
Bầu cử tổng thống Iran: Bước chuyển biến trong nội bộ và cả khu vực? ảnh 1Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa đại diện Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran về thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tại Vienna, Áo ngày 19/5. (Ảnh: THX/TTXVN)

Không ngạc nhiên khi giới chức Iran tuyên bố, cả thẳng thừng hoặc ẩn ý, rằng việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ không diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tuần tới, nhất là trong bối cảnh giới quan sát khu vực tin rằng một nhân vật theo đường lối cứng rắn sẽ kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani.

Theo một số nguồn tin Iran chia sẻ với Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei muốn việc nối lại thỏa thuận hạt nhân sẽ diễn ra dưới sự điều hành của một chính phủ Iran mới.

Do Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani đã gần kết thúc nhiệm kỳ, nên ông Khamenei và các cố vấn cấp cao không muốn trao trọng trách này cho một chính quyền tổng thống sắp mãn nhiệm.

Lập trường này đã làm dấy lên lo ngại ở châu Âu và Mỹ, khi phương Tây từng hy vọng thỏa thuận hạt nhân sẽ sớm được khôi phục với sự ủng hộ của các quan chức cấp cao như Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, vốn là những nhân vật có liên quan trực tiếp tới các cuộc đàm phán hạt nhân năm 2015.

Tuy nhiên, để xoa dịu những lo ngại đó, giới chức Iran tuyên bố rằng các cuộc đàm phán quay trở lại thỏa thuận này vẫn sẽ diễn ra bất kể ai là tổng thống Iran. Người phát ngôn của Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết quyết định tham gia cùng các bên khác trong thỏa thuận hồi năm 2015, bao gồm cả Mỹ, được nhà lãnh đạo tối cao Iran đưa ra và nhận được sự ủng hộ từ các cấp cao nhất của chính phủ. Điều này sẽ không thay đổi khi ông Rouhani rời nhiệm sở.

Theo kế hoạch, cử tri Iran sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 18/6 tới để bầu chọn tổng thống tiếp theo của nước Cộng hòa Hồi giáo. Ứng cử viên tiềm năng nhất hiện là người đứng đầu ngành tư pháp Iran Ebrahim Raisi, một người theo chủ nghĩa dân túy thực dụng và bảo thủ.

Nhân vật này đã tạo dựng danh tiếng bằng chiến dịch chống tham nhũng và những chuyến thăm tới các địa phương gặp khó khăn trong thời điểm đại dịch COVID-19.

[Hai ứng cử viên Tổng thống Iran rút lui vào phút chót]

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên tổng thống, ông Raisi đã chỉ trích sự quản lý yếu kém dưới thời Rouhani cầm quyền dù không nêu đích danh danh tổng thống.

Ông cũng chỉ trích tình trạng tham nhũng tràn lan và tình hình kinh tế ngày càng đi xuống. Dù không tin tưởng Mỹ, song ứng cử viên Raisi cam kết nếu thắng cử, ông sẽ đi theo con đường đàm phán để nối lại thỏa thuận hạt nhân. Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ tăng cường sức mạnh của nước Cộng hòa Hồi giáo khi phải đối mặt với những kẻ thù.

Những tuyên bố của ông Raisi về việc sẽ hỗ trợ người nghèo, giải quyết vấn nạn tham nhũng, đương đầu với kẻ thù của Iran và nối lại thỏa thuận hạt nhân nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến nhân vật này trở nên nổi tiếng trong các tầng lớp trung lưu ở Iran.

Ông cũng có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh tụ tối cao Khamenei và nhận được sự ủng hộ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lực lượng vốn coi lập trường của chính quyền Rouhani là quá mềm mỏng.

Nguồn tin Iran tiết lộ rằng một trong những lý do để trì hoãn việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống mới là Lãnh tụ tối cao Khamenei và các cố vấn của ông muốn sắp xếp lại chiến lược của Iran trong khu vực trước khi khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Theo nguồn tin, các quan chức Iran muốn thay đổi động lực khu vực, họ muốn thay đổi cách thức hoạt động của nước này ở Syria, Iraq và nhiều nơi khác. Một khi quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, Iran không muốn các hoạt động của họ bị các bên trong khu vực hoặc cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Bên cạnh đó, Iran được cho là đang lựa chọn hàng trăm chiến binh đáng tin cậy từ các lực lượng dân quân đồng minh mạnh mẽ nhất của mình ở Iraq, từ đó hình thành các phe nhóm nhỏ hơn trước, song tinh nhuệ và trung thành.

Các nhóm bí mật mới được đào tạo tác chiến bằng máy bay không người lái, giám sát và tuyên truyền trực tuyến, giữ liên lạc trực tiếp với các sĩ quan trong đơn vị tinh nhuệ Quds của Iran, một nhánh của IRGC chịu trách nhiệm điều phối các lực lượng dân quân ở nước ngoài.

Sự thay đổi này cho thấy cách tiếp cận mới của nước Cộng hòa Hồi giáo sau cái chết của Tướng Qassem Soleimani của Lực lượng Vệ binh cách mạng, người đóng vai trò “đầu não” trong việc kiểm soát chặt chẽ lực lượng dân quân Shi'ite của Iraq cho đến khi bị sát hại hồi đầu năm ngoái trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad.

Việc chuyển sang sử dụng các nhóm nhỏ hơn cũng mang lại lợi thế chiến thuật riêng, ít bị xâm nhập hơn và có thể hiệu quả hơn trong việc triển khai các kỹ thuật mới nhất mà Tehran đã phát triển, ví dụ như máy bay không người lái có vũ trang. Đối với vấn đề Syria, Iran muốn phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để kết thúc giao tranh và mở ra lộ trình chấm dứt sự can dự quân sự của Iran tại Syria.

Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống Iran sắp tới cần phải được tạo đà để mang lại một cái kết có hậu. Lãnh tụ tối cao Khamenei nhiều lần nói rằng ưu tiên hàng đầu là tỷ lệ cử tri đi bầu cao sẽ giúp tăng cường sức mạnh răn đe của đất nước, mang lại vị thế an ninh và uy tín.

Ngay cả khi các cử tri ủng hộ cải cách tẩy chay cuộc bầu cử Tổng thống Iran, thì ứng cử viên Raisi vẫn nhận được sự hậu thuẫn từ những người Iran thuộc tầng lớp trung lưu thường có cảm tình với những chính trị gia dân túy.

Dù chưa được biết đến trên trường quốc tế, song ông Raisi bày tỏ lập trường ủng hộ các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna (Áo) và nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ theo đuổi "chính sách ngoại giao thông minh và sáng tạo" và sẽ không lãng phí “một giây nào” để thúc đẩy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Iran như thế nào, Tehran vẫn muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân vì những lợi ích kinh tế và chính trị mà thỏa thuận này mang lại.

Các cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna để khôi phục thỏa thuận đang tiến triển chậm nhưng ổn định. Giới ngoại giao cho rằng thỏa thuận cuối cùng khó đạt được kết quả trước cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Rõ ràng, Iran và các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã nhất trí rằng bước đột phá ngoại giao có thể chờ đợi cho đến khi Iran kiện toàn chính phủ mới, và điều này cho phép Tehran có đủ thời gian và không gian để điều chỉnh các quân bài chiến lược của mình cả trong nội bộ và ở cấp độ khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục