Nhiều nhân vật thời cựu Tổng thống Mubarak trở lại chính trường

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập giai đoạn một cho thấy các nhân vật từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak đang trở lại chính trường nước này khi giành được 84 ghế.
Nhiều nhân vật thời cựu Tổng thống Mubarak trở lại chính trường ảnh 1Ai dân Ai cập đi bỏ phiếu. (Nguồn: AFP)

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập giai đoạn một cho thấy các nhân vật từng phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak đang trở lại chính trường nước này khi giành được 84 ghế, chiếm gần 30% trong tổng số 286 ghế quốc hội.

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, các cựu thành viên đảng Dân chủ quốc gia (NDP) của cựu Tổng thống Mubarak đã bị giải tán, tham gia tranh cử theo cả danh sách ứng cử viên độc lập và danh sách đảng phái.

Phần lớn các cựu thành viên NDP đều tham gia liên minh Vì tình yêu Ai Cập (FLE) do cựu sỹ quan tình báo Sameh Seif al-Yazal lãnh đạo, một liên minh ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Abdel Fatah El-Sisi.

Trong khi đó, một số ít cựu thành viên NDP lại thành lập đảng chính trị mới hoặc tham gia các đảng mới được thành lập sau năm 2011.

Theo kết quả sơ bộ, ngay trong vòng bỏ phiếu chính thức giai đoạn một của cuộc bầu cử, FLE đã giành hết 60 ghế theo danh sách đảng phái, trong khi đảng Nour, đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào quốc hội lại thất bại hoàn toàn khi không giành được ghế nào.

Theo danh sách ứng cử viên độc lập, 3 đảng thế tục thuộc liên minh FLE cũng giành được đa số ghế với đảng Những người Ai Cập tự do (FEP) được 36 ghế, đảng Tương lai một Tổ quốc (FHP) được 30 ghế và đảng Wafd được 17 ghế; trong khi đó đảng Nour chỉ giành được 10 ghế tại vòng bỏ phiếu bổ sung, diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/10.

Giai đoạn một của cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập với 2 vòng, chính thức và bổ sung, diễn ra từ ngày 17-28/10 tại 14/27 tỉnh đã khép lại. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong giai đoạn này được đánh giá là rất thấp với 26,6%. Giai đoạn hai dự kiến diễn ra tại 13 tỉnh còn lại trong 3 ngày từ 21-23/11.

Bầu cử quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013.

Cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao nước này phán quyết các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục